Việt Nam năm 1994 là điểm đến khá phiêu lưu để khám phá nhưng là nơi người dân hào phóng, trung thực và đầy niềm tự hào. Simon O'Reilley, du khách Anh, đã kể lại quãng ngắn thanh xuân trải nghiệm của mình ở Việt Nam trên báo Hồng Kông SCMP:
Đầu năm 1994, một người bạn và tôi bay đến Việt Nam. Khi máy bay lăn bánh đến nhà ga, chúng tôi đi qua những chiếc máy bay bị cũ, bao gồm nhiều máy bay quân sự từ thời chiến tranh, nằm ở hai bên đường băng...
TP.HCM nhộn nhịp với những tài xế vui vẻ. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn trong tòa nhà 6 tầng nhìn ra con đường đông đúc. Ở tầng trệt có những nơi bán cà phê pha phin và bia lon của Việt Nam.

Có một vài gian hàng bán bật lửa Zippo, món quà rất phổ biến ở thời điểm này tại TP.HCM. Những gian hàng khác bán đồ trang sức làm từ vỏ đạn và nhiều thứ kỳ lạ lần đầu tôi thấy.
Chúng tôi đổi một số đô la Mỹ sang tiền đồng. Vào thời điểm đó, 100 đô la Mỹ có giá trị bằng một triệu đồng. Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất là 5.000 đồng, và cả hai chúng tôi đều có một xấp tiền dày trong túi.
Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là đi dọc những con đường ven bờ biển bằng xe buýt và tàu hỏa, xem liệu có thể đến Hà Nội được không. Các chuyến tàu đông đúc nhưng khá thoải mái và ít điên cuồng hơn so với các chuyến tàu ở Ấn Độ vào thời điểm đó.
Ký ức sống động nhất của tôi về chuyến tàu là gì? Sáng sớm, mọi người bắt đầu nướng mực khô cho bữa sáng trên chiếc vỉ than tròn nhỏ ở khoảng trống giữa các ghế băng. Mùi hương thơm nồng khác lạ.



Ở một chặng khác của hành trình, chúng tôi đi một chiếc xe buýt nhàu cũ hơn cả chúng tôi, và chật cứng người cùng tất cả đồ đạc của họ, một số đồ đạc phát ra tiếng kêu của gà, vịt...
Chiếc xe buýt này hỏng sau một hoặc hai giờ, và tất cả chúng tôi đều xuống xe và đứng xung quanh trong khi tài xế và phụ xe đập mạnh xuống gầm xe cũ kỹ.
Trong khi Hồng Kông, Nhật Bản và hầu hết các nơi trong khu vực đều phát cuồng vì karaoke và hộp đêm, thì lối thoát áp lực chính của Việt Nam vào thời điểm đó dường như là khiêu vũ. Tất cả đều có vẻ khá trang trọng và chúng tôi thấy những điệu nhảy này, thường là trong một ngôi nhà có mái che nhưng không có tường, ở hầu hết các thị trấn.
Chúng tôi tình cờ gặp một nơi bán võng và quyết định sẽ ngủ ngoài trời dưới những vì sao giữa những cây dừa trên một bãi biển vắng vẻ. Sau khi thuê chiếc xe gắn máy ở Đà Nẵng, chúng tôi đi vào vùng xanh thẳm xa xa.
Sau đó, khi trời tối dần, chúng tôi tìm những cây dừa cách đều nhau bằng ánh sáng mờ nhạt của đèn pha. Lảo đảo qua bãi cát nông và sâu, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy nơi đó, mắc võng và ngủ thiếp đi.

Thức dậy sau một đêm khá khó chịu khi ngủ trên võng cả đêm, chúng tôi quyết định đi tìm một ít cà phê. Chúng tôi không biết mình đang ở đâu, nhưng tin rằng có thể tìm được đường trở lại Đà Nẵng. Nhưng khi chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ ven đường, xe hết xăng.
Những người đầu tiên đến và "điều tra" chúng tôi là những đứa trẻ trong làng. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện mà cả hai bên đều nói ngôn ngữ của riêng mình nhưng thông điệp vẫn được truyền tải.

Sau đó, những người lớn đến. Hai phút sau, họ mang theo một chai xăng lớn, một ít nước và một bữa ăn nhẹ cho chúng tôi. Chúng tôi muốn trả tiền, nhưng họ lịch sự nhưng kiên quyết từ chối.
Đó là trải nghiệm không thể nào quên của chúng tôi, rất điển hình cho những người Việt Nam mà chúng tôi đã gặp. Bất chấp cảnh nghèo khó và trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh và khắc khổ, họ vẫn hào phóng và trung thực, và thực sự tự hào về chính họ.
Chúng tôi luôn được mời đồ ăn và đồ uống, và thường không thể trả tiền.
Chúng tôi dự định đến Hà Nội bằng xe máy và rất tiếc không bao giờ đến được. Thời tiết nắng ở phía nam nhường chỗ cho mưa như trút nước khi chúng tôi đi về phía bắc. Chúng tôi quay lại Đà Nẵng sau một vài ngày kẹt mưa ở Huế...
Theo Vi Nguyễn (TNO)