Hiệu ứng của “trend”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Một chuyện giật gân, một câu nói mang tính “viral” (câu nói được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội), một bộ trang phục hay vật dụng cá nhân của người nổi tiếng, một kiểu tóc mới, một cử chỉ/điệu bộ/động tác khác lạ… Tất cả đều có thể trở thành “trend”.

“Trend” theo tiếng Anh có nghĩa là trào lưu, xu hướng. Nó có thể được hiểu là một vấn đề, một sự kiện, một hướng của các sự kiện, sự vật hay sự việc cụ thể nào đó trong đời sống được nhiều người chú ý, quan tâm. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ có những cách thể hiện trào lưu, xu hướng khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, đối tượng khách hàng mà thương hiệu hướng tới. Những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự thay đổi linh hoạt của “trend” là thời trang, âm nhạc và công nghệ thông tin.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Vậy nhưng, “trend” chỉ thu hút mọi người trong một khoảng thời gian nhất định và “trend” có thể bất ngờ xuất hiện, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế bởi một “trend” khác có sự quan tâm và thu hút hơn, “hot” hơn. Tức là, thời gian tồn tại của “trend” thường không dài. “Đu trend” hay “đú trend” là cụm từ hiện đang được sử dụng khá phổ biến, nhất là trong giới trẻ, để chỉ việc bắt chước hoặc chạy theo xu hướng đang nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Xung quanh vấn đề chạy theo “trend” cũng có rất nhiều điều cần bàn.

Trong đời sống xã hội, con người thường hay bị tác động bởi đám đông. Dựa trên tâm lý ấy, những người làm công việc liên quan đến kinh doanh, nghệ thuật, thời trang nghiên cứu ra những xu hướng mới mẻ nhằm tạo ra sức hút cho sản phẩm của mình. Tỷ lệ thuận với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, những xu hướng mới xuất hiện là quy luật đương nhiên. Người tạo ra “hot trend” thường là những người thông minh, sáng tạo và nhạy bén (tất nhiên là trừ các “trend” xuất hiện bất ngờ, như kiểu sự cố ngoài mong muốn). Nắm bắt xu hướng mới hoặc chạy theo “trend” thể hiện sự nắm bắt nhanh nhạy các thông tin, thích ứng kịp thời với các sản phẩm, sự việc, hiện tượng được nhiều người quan tâm. Chạy theo “trend” còn thể hiện sự sành điệu, lối sống hiện đại, thức thời. Nhiều người có trách nhiệm xã hội, tiếng nói có “trọng lượng” thường có những bài phân tích rất cặn kẽ bản chất của một “trend” nào đó đang “hot”, từ đó góp phần định hướng đúng đắn cho mọi người trong tư duy, hành động khi tiếp cận với “trend”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đa số còn bị thao túng bởi tâm lý đám đông, chạy theo “trend” một cách vô thức, như thể sợ mình bị chê là lạc hậu, quê mùa nếu không “đu trend”.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền câu nói của một cô đồng: “Đúng nhận, sai cãi”. Câu nói này lan truyền chóng mặt dưới nhiều dạng thức: nào là các video clip ngắn của các bạn trẻ bắt chước hành động vừa bổ cau vừa “phán” của cô đồng, nào là các hình ảnh hóa trang kiểu cô đồng kèm theo những câu tếu táo vui nhộn, nào là các status với đủ thứ chuyện có kèm câu “viral” của cô đồng nọ… Hay như sự xuất hiện gần đây của phần mềm có tên là ChatGPT (với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot-phần mềm siêu trí tuệ nhân tạo do Công ty OpenAI của Hoa Kỳ phát triển và cho ra mắt vào tháng 11-2022). Sự xuất hiện của ChatGPT đang gây hiệu ứng không nhỏ trong cộng đồng. Dù ở Việt Nam, để sử dụng được phần mềm phải trải qua những bước cài đặt khá phức tạp, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn hào hứng đón nhận và thử nghiệm. Cộng đồng mạng lại có dịp được chia sẻ những đoạn chat vui nhộn, hài hước.

Tôi có quen biết một chị được nhận xét là sành điệu. Bất cứ trào lưu làm đẹp nào cũng được chị hưởng ứng rất nhanh. Từ xăm lông mày, nâng mũi, cắt mí mắt, làm lúm đồng tiền, phun môi đến tẩy da, tắm trắng, tiêm filler trẻ hóa… Váy áo cứ mẫu nào “hot” là chị mua hoặc may ngay. Đến cả khăn, mũ, giày dép cũng vậy. Chị trước đây vốn là người đằm thắm ưa nhìn, nhưng do lạm dụng quá đà việc chỉnh sửa nhan sắc khiến gương mặt chị đơ cứng, tất cả các nét đều na ná những khuôn mặt được phẫu thuật thẩm mỹ khác. Áo quần, đầu tóc thì mỗi thứ một kiểu, nửa tây nửa ta, chẳng thứ gì ăn nhập với thứ gì, vì tất cả những thứ ấy là do chị chạy theo “mốt” đang thịnh hành, chứ chúng không phù hợp với vóc dáng và gương mặt chị. Nhiều người tỏ ý vừa tiếc vừa ái ngại khi thấy chị cứ mải mê chạy theo trào lưu. Chưa kể, dù đã có gia đình và cũng “có tuổi”, nhưng chị luôn đăng lên Facebook những hình ảnh ăn mặc khá “xì tin” kèm những câu “viral” của giới trẻ rất điệu nghệ và thức thời.

Không thể phủ nhận giá trị của xu hướng, trào lưu, nhất là những trào lưu tích cực, lành mạnh. Chúng lan tỏa đến cộng đồng và tạo ra những giá trị rất hữu ích, khiến mỗi người trở nên năng động, sáng tạo và bắt nhịp nhanh với bước tiến của xã hội. Chúng còn đem đến những niềm vui cho công việc, cho cuộc sống. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái. Việc lạm dụng trào lưu để tham gia những trò vô bổ, mất thời gian, bắt chước thần tượng hoặc làm theo những việc xấu để câu like; hay nhầm tưởng rằng “đu trend” là sành điệu, thức thời, là tự nâng cao được giá trị bản thân sẽ khiến chúng ta dần sống không còn là mình. Việc chạy theo xu hướng thái quá sẽ khiến chúng ta trở thành kẻ bắt chước thô kệch, thành một bản sao lỗi, mất dần đi cá tính, bản thể riêng biệt.

Mỗi người là một cá thể góp phần tạo nên xã hội muôn hình vạn trạng. Để phân biệt được tốt-xấu, đúng-sai trong thời đại “vài ngày lại xuất hiện hot trend”, cũng rất cần có bản lĩnh. Và hiệu ứng mà những “trend” đem lại cho mỗi người, sẽ tùy thuộc vào cách chúng ta nhận thức và ứng xử với chúng.

Có thể bạn quan tâm