Liên hoan Sáng tạo trẻ trong học sinh, sinh viên tỉnh năm 2025 (do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức) đã mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo, gần gũi, mang tính ứng dụng cao. Không chỉ là sân chơi để thử sức, nhiều bạn trẻ đã mang cả những mong muốn, trải nghiệm gửi vào từng sản phẩm.
Những ý tưởng từ thực tế
Đạt giải nhất với dự án “Một số sản phẩm khử mùi, đuổi côn trùng và “túi mầm xanh” thân thiện với môi trường”, nhóm học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) gây ấn tượng bởi ý tưởng biến rác hữu cơ thành sản phẩm thân thiện với môi trường.
![]() |
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Diêu giải thích với ban giám khảo về nguyên lý hoạt động của máy lọc không khí thông minh. Ảnh: D.L |
Từ vỏ cam, bã trà, bã cà phê… nhóm chiết tinh dầu, làm túi thơm khử mùi và đuổi côn trùng. Bã còn lại được phối trộn thêm hạt giống và nguyên liệu phân hủy sinh học để tạo thành những “túi mầm xanh” dùng làm túi thơm, đến khi không còn sử dụng, chỉ cần đặt vào đất là có thể mọc lên cây.
Em Huỳnh Bảo Trân (lớp 11A5), đại diện nhóm, chia sẻ: “Mỗi lần nhóm gom nguyên liệu, cắt, trộn, gói lại những thứ tưởng như bỏ đi là một lần cảm thấy mình đang làm điều gì đó có ích. Gọi là sản phẩm từ rác, chúng em muốn gửi gắm vào đó thông điệp tích cực với môi trường”.
Cũng mong muốn cải thiện chất lượng sống, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước) đã bắt tay tạo nên máy lọc không khí thông minh sử dụng năng lượng mặt trời. Tận dụng quạt máy tính hỏng, ắc quy xe máy bỏ đi, một vài loại hộp nhựa cũ, nhóm đã lắp thành thiết bị có khả năng lọc bụi, khử mùi, tích hợp cảm biến hồng ngoại và cảm biến nhiệt, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại. Thiết bị phù hợp với những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực đông dân cư, những nơi không khí bị
ô nhiễm…
Đại diện nhóm, em Phạm Tuấn Khanh (lớp 12A1) “bật mí”: “Chúng em chọn nơi có nhiều trang trại và công trình đang thi công để thử máy. Sau hơn 4 tháng, thiết bị hoạt động ổn định, lọc khói thuốc lá, bụi PM10, PM2.5, khử mùi chất thải từ các hộ chăn nuôi gần nhà và trường học. Thời gian đến, nhóm đang tính nâng cấp thêm chức năng lọc khí ngoài trời và nhận diện người lạ”.
Nếu hai dự án trên quan tâm đến môi trường, thì dự án “Smartwall Clock” của Trần Minh Phương (lớp Dược 13B, Trường CĐ Y tế Bình Định) lại hướng đến sự an toàn trong không gian sống. Là chiếc đồng hồ treo tường tích hợp cảm biến khói, nhiệt độ, còi báo động và đèn nháy, thiết bị như “người gác cửa” hoạt động 24/7 giúp phát hiện nguy cơ cháy sớm.
Minh Phương chia sẻ: “Tôi chọn làm đồng hồ vì ai cũng có ít nhất một cái trong nhà. Nếu nó có thêm chức năng báo cháy thì rất tiện, vừa không tốn diện tích, vừa nâng cao độ an toàn”.
Hành trình làm nên kết quả
Đây là năm đầu tiên vòng chung kết liên hoan có sự góp mặt của nhiều bạn học sinh bậc THPT, thậm chí còn đạt giải cao.
Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, đánh giá: “Tuy là năm đầu tham gia nhưng các bạn rất tự tin, mạnh dạn thuyết trình và chuẩn bị thiết bị để ban giám khảo hình dung rõ hơn về tính ứng dụng của đề tài. Khi được ban giám khảo góp ý, các bạn cũng rất cầu thị lắng nghe để hoàn thiện hơn những “đứa con tinh thần” của mình. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy tinh thần sáng tạo đang lan rộng trong học sinh, sinh viên toàn tỉnh”.
Đằng sau mỗi dự án là một hành trình. Từ ý tưởng đến sản phẩm là cả quá trình dài với nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là niềm vui được nhìn thấy kết quả hình thành từ chính công sức của mình.
Nguyễn Thịnh Phát (lớp 12A2), thành viên nhóm “túi mầm xanh”, kể: “Trước khi làm giấy, chúng em phải đi xin nguyên liệu như bã mía, giấy vụn, vỏ bắp ở chợ. Hôm đó nắng gắt, mọi người chạy khắp nơi, mặt ai cũng đỏ au. Vậy mà hôm sau trời bị ảnh hưởng bởi bão, giấy vẫn chưa ráo, may sao đến ngày thứ 5 giấy cũng kịp khô. Nhìn chồng giấy thành phẩm, ai cũng mừng rơn”.
Khác với các nhóm có nhiều thành viên, Minh Phương lại thực hiện dự án một mình nên có phần áp lực hơn đôi chút. Vừa học, vừa đi làm thêm, cô bạn phải tự xoay xở mọi khâu, từ mua sắm các vật liệu cần thiết đến thiết kế, dựng video thuyết trình.
“Có khi đang làm thì thiết bị lỗi, tôi phải kiểm tra và sửa đi sửa lại nhiều lần. Vất vả thật nhưng cũng không kém phần thú vị khi nghĩ đến sản phẩm của mình được “thành hình”. Tuy nhiên, thiết bị vẫn còn hạn chế trong một số trường hợp nên tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để khắc phục”, Phương cho biết.
DƯƠNG LINH