Longform

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

E-magazine Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Mặc dù buổi sáng đã xuất hiện cơn mưa nhưng gần giữa trưa trời lại nắng gắt khiến cho nhóm thợ thi công hệ thống thoát nước tại tuyến đường từ thị xã An Khê đi Đak Pơ ai nấy cũng đều đẫm ướt mồ hôi. Không khí làm việc khẩn trương, tiếng máy trộn bê tông quay rào rào, từng chiếc xe rùa đầy ắp vữa nhanh chóng rời đi. Cứ thế, từng đoạn cống mới được nối dài thêm. Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, ông Nguyễn Nhật Trường (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết, ông vừa được bổ sung vào đội hình thi công ở tuyến đường này được hơn 2 tuần. “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi cố gắng hoàn thành nốt mẻ bê tông này mới nghỉ. Hễ rãnh thoát nước đào đến đâu là chúng tôi lập tức đổ bê tông cống ngay”-ông Trường vui vẻ nói.

Vừa quan sát, đi lại liên tục đôn đốc công nhân, ông Trần Xuân Trung-cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị-cho biết: “Thi công trong điều kiện thời tiết nắng nóng, giữa khu dân cư, trên đường bộ đang khai thác nên lượng xe cộ qua lại đông đúc, chúng tôi luôn nhắc nhở anh em cố gắng chú ý đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công. Đồng thời, cắt cử người điều phối giao thông, đèn tín hiệu, giăng dây, dựng biển cảnh báo cho các phương tiện giao thông. Hiểu được những khó khăn này nên ai nấy đều nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc theo từng hạng mục”.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tâm-Chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp 03 (Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị) cho biết: Đơn vị triển khai thi công từ giữa năm 2021 đối với đoạn từ xã Song An (đèo An Khê) ngược về phía thị xã An Khê có chiều dài 3,7 km và đoạn từ thị xã An Khê đi huyện Đak Pơ dài 4,4 km. Bắt đầu triển khai giữa năm 2021, đến nay, đoạn tại xã Song An đã hoàn thiện nền đường được 40%, hệ thống thoát nước đạt 80% khối lượng thi công. Đến tháng 9 tới, Công ty sẽ hoàn thành kết cấu nền mặt đường, công tác hoàn thiện các hạng mục khác sẽ nỗ lực hoàn thành bám theo tiến độ chung của dự án.

 

Bên cạnh đó, để góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án, UBND huyện Đak Pơ cũng đang gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hơn cho hay: Công tác xác định giá đất thay thế triển khai chưa đảm bảo dẫn đến chậm tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quá trình đơn vị tư vấn lập, chỉnh sửa, hoàn thiện phương án xác định giá đất thay thế còn xảy ra sai sót.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, đối với 6,4 km dọc quốc lộ 19, các hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng trên tuyến đã tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công. “Hiện 98 hộ dân trên tuyến tránh thị xã An Khê (đoạn thuộc địa phận Đak Pơ) đã hoàn thành việc thống kê đất đai, cây trồng, nhà ở, vật kiến trúc. Khi có kết quả thẩm định giá của tỉnh thì áp vào bồi thường, đền bù ngay cho các hộ này”-ông Hơn cho hay.

 

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải): Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài 143,6 km đi qua 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài 126,6 km với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.000 tỷ đồng. Dự án này bao gồm 8 gói thầu xây lắp. Đến nay, toàn bộ 7 gói thầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Các đơn vị thi công đã đồng loạt triển khai trên công trường, tiến độ thi công toàn tuyến đến thời điểm này khoảng 8%, dự kiến đến tháng 5-2023 công trình sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng.

 

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý Dự án 2 cũng cho biết: Khi bắt đầu triển khai thi công thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng dịch nên việc huy động nhân sự gặp nhiều khó khăn và chậm hơn so với dự kiến. Đặc biệt, các đoạn tuyến vừa thi công, vừa khai thác nên việc thi công không thể diễn ra đồng bộ đã phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Hơn nữa, công tác giải phóng mặt bằng tại các tuyến tránh vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tuyến tránh An Khê còn nhiều vướng mắc, chỉ mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 6,7/13,7 km, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai của các đơn vị thi công.

 

Không riêng gì những nhà thầu, người dân dọc 2 bên tuyến quốc lộ 19 cũng dõi theo quá trình thi công diễn ra từng ngày. Ông Nguyễn Văn Phú (xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho hay: Thấy công nhân triển khai làm đường, bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Chúng tôi cho họ sử dụng nhờ điện, nước như muốn góp chút ít công sức để tuyến đường sớm hoàn thành. “Trước giờ, mỗi lúc mưa thì nước chảy tràn ra đường. Nay thấy đơn vị thi công làm hệ thống thoát nước bài bản, chúng tôi rất vui. Tiến độ thi công rất nhanh nên không ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán của các hộ dân. Có chịu thiệt một chút cũng không sao, chỉ mong công trình sớm hoàn thành”-ông Phú hồ hởi cho hay.

Còn tài xế Lê Hồng Khanh (TP. Pleiku) thì cho biết: “Trước đây, thấy tuyến đường này được nâng cấp vài đoạn, anh em lái xe đã thấy phấn khởi. Nay các đơn vị thi công rầm rộ, chúng tôi lại càng mong dự án sớm hoàn thành. Không những giao thông thuận lợi hơn mà hành trình lái xe của chúng tôi cũng bớt vất vả cũng như tiết kiệm được tiền xăng dầu, đỡ hư hỏng xe, hao mòn lốp”.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

Các tuyến kênh T4, T5, T6 từ khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tuyến đường dọc theo các tuyến kênh đã được nhựa hóa, người dân từ các nơi về an cư bên những bờ kênh, doanh nghiệp đến đầu tư những dự án lớn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, ông Hà Đình Cẩn - nguyên Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - cho hay không biết ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc xây dựng một trục đường dọc thứ hai của đất nước xuất hiện từ bao giờ.
Vững tay chèo trên dòng sông tri thức

E-magazineVững tay chèo trên dòng sông tri thức

(GLO)- Theo sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh, những thầy giáo, cô giáo tuổi đôi mươi giờ đây tóc đã bắt đầu điểm bạc. Thế nhưng, tình yêu và sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề trong họ lúc nào cũng vẹn nguyên. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng những
Gia Lai tưng bừng mùa lễ hội

E-magazineGia Lai tưng bừng mùa lễ hội

(GLO)- Sau 2 năm liên tiếp phải tạm hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các lễ hội đặc trưng được tổ chức nối tiếp nhau trong tháng 11 sẽ tạo nên chất xúc tác để mùa du lịch cuối năm ở Gia Lai càng trở nên sôi động, hứa hẹn một
Cơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

E-magazineCơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

(GLO)- Sau 2 kỳ đại hội liên tiếp gần như trắng tay, Gia Lai đang chuẩn bị bước vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 với một vị thế rất khác. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các vận động viên (VĐV) đang rất nỗ lực tập luyện với khát vọng nâng tầm thể thao tỉnh nhà.
Bước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

E-magazineBước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

(GLO)- Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Gia Lai lần thứ IX-2022 đã tạo được dấu ấn đậm nét, khẳng định sự phát triển không ngừng của phong trào thể thao trên địa bàn thời gian qua. Thành công của kỳ đại hội lần này mở ra nhiều hy vọng cho thể thao Gia Lai tại các sân chơi khu vực và quốc gia, gần nhất là Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay.
"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

E-magazine"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

(GLO)- L.T.S: Gia Lai là một trong những vùng khó về giáo dục với nhiều thách thức như: diện tích trải rộng, lớn thứ nhì cả nước; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (khoảng 44,5%); còn nhiều hộ khó khăn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tuy nhiên, ngoài lòng tận tâm của đội ngũ nhà giáo cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục, chuyện học ở Gia Lai dần khởi sắc nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng với những cá nhân, tổ chức hảo tâm, dốc sức dốc lòng hỗ trợ lâu dài cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học tập cho đến khi trưởng thành.