Đi ăn không mang tiền mặt, 'tá hỏa' vì chủ quán không chấp nhận chuyển khoản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một số người không có thói quen mang theo tiền mặt đã rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” khi vô tình đến những quán ăn, địa điểm vui chơi nhưng họ không chấp nhận chuyển khoản, quét mã QR.

Hiện nay, việc chuyển khoản, quét mã QR để thanh toán trở nên rất phổ biến, tiện lợi, vì vậy mà một số người trẻ đã ỷ y không chuẩn bị tiền mặt khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, không phải quán ăn, địa điểm mua sắm, vui chơi nào cũng áp dụng hình thức thanh toán bằng chuyển khoản, khiến cho không ít người trẻ rơi vào thế khó.

Cuối tuần, Phan Hoàng Thanh (26 tuổi), sinh sống tại 656 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM, cùng nhóm bạn gồm 7 người đến một quán lẩu gà lá é nổi tiếng trên đường Trường Sa, Q.3 (TP.HCM) để ăn uống. Nhóm bạn thân này hay có thói quen sau khi đi ăn uống, vui chơi… sẽ chuyển khoản hoặc quét mã QR để thanh toán hóa đơn. Thanh kể hôm đó sau khi ăn xong, một người bạn trong nhóm đã “tá hỏa” khi phát hiện trên bức tường ở quán có dán dòng chữ: “Không nhận chuyển khoản, cảm ơn”.

Một số người trẻ đi ăn không mang theo tiền mặt "tá hỏa" khi được thông báo quán không chấp nhận chuyển khoản. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN

Một số người trẻ đi ăn không mang theo tiền mặt "tá hỏa" khi được thông báo quán không chấp nhận chuyển khoản. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN

“Với hóa đơn 1,1 triệu đồng, 7 người gom hết tiền mặt lại cũng chỉ được 900.000 đồng. Mình hỏi nhân viên quán có thể xí xóa cho chuyển khoản thêm 200.000 đồng được không thì bị từ chối. Nhân viên quán bảo từ trước giờ ở đây không chấp nhận hình thức chuyển khoản vì khó quản lý và có một số trường hợp gian lận chỉ soạn cú pháp chuyển tiền chứ không bấm gửi. Thế là mình đã nhờ một anh trai bàn kế bên cho mượn tiền mặt, sau đó trả lại bằng hình thức chuyển khoản mới có thể thanh toán hóa đơn 1,1 triệu đồng cho quán”, Thanh chia sẻ.

Ngô Thanh Ngân (28 tuổi) sinh sống tại 100 Phong Phú, P.12, Q.8, TP.HCM cho biết: “Mình và em trai từng đến ăn ở một quán bán đồ chiên kiểu người Hoa ở Q.5 (TP.HCM). Lúc ăn xong, mình và em trai được báo phải thanh toán hóa đơn gần 300.000 đồng. Lúc này, mình mới bảo với cô chủ quán là chuyển khoản, nhưng cô đã không đồng ý. Người này cho biết quán của mình chỉ buôn bán nhỏ và cũng không rành công nghệ, vì vậy từ trước đến nay vẫn duy trì hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt”.

Ngân cho biết hai chị, em chẳng mang theo tiền mặt và có ngỏ ý chuyển khoản cho cháu bà chủ nhưng vẫn không được đồng ý. Gia đình họ vẫn giữ nguyên tắc kinh doanh từ trước đến giờ là không nhận thanh toán bằng bất kỳ hình thức nào khác ngoài tiền mặt.

“Mình ở lại quán làm tin, còn em trai phải chạy sang trụ ATM cách đó khoảng 2 km để rút tiền. Mình thấy việc này rất mất thời gian và phiền phức, vì thế các bạn trẻ nên chuẩn bị một khoản tiền mặt để dằn túi mỗi khi ra ngoài, nhất là khi vào những quán mới”, Ngân chia sẻ.

Người viết trực tiếp trải nghiệm ở một quán bún thịt nướng khá đông khách tại 63 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Cô chủ quán cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi, nên không rành về công nghệ, điện thoại cũng chỉ sử dụng được những chức năng cơ bản. Quán của tôi khá đông, một phần bún chỉ có giá từ 25.000 - 30.000 đồng, nếu chuyển khoản thì mất công lắm. Biết rằng giờ đây quán nào cũng cho khách chuyển khoản, quét mã QR nhưng tôi không rành thì biết sao được. Có lần tôi cũng chấp nhận cho họ chuyển khoản nhưng tiền không qua, lỗ vốn nên thanh toán tiền mặt cho chắc”.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy, giảng viên tại Trung tâm đào tạo kinh tế - tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến một số hàng quán hay shipper ngại nhận thanh toán qua chuyển khoản hoặc quét mã QR. Các chủ quán nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ. Việc vận hành các ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử đôi khi khó khăn với những người không quen thuộc với công nghệ. Thêm vào đó, thời gian xử lý giao dịch cũng là một vấn đề. Trong giờ cao điểm, việc phải chờ đợi xác nhận giao dịch có thể gây chậm trễ trong quá trình phục vụ khách hàng. Việc nhận qua chuyển khoản có thể gây khó khăn trong việc quản lý nguồn thu hàng ngày, đặc biệt là khi họ cần tiền mặt để mua nguyên liệu”.

Theo thạc sĩ Huy, bên cạnh những bất tiện, thanh toán điện tử cũng có nhiều lợi ích đáng kể, giúp người trẻ không cần mang theo tiền mặt, giảm nguy cơ mất cắp hoặc đánh rơi. Giao dịch được thực hiện nhanh chóng, chỉ trong vài giây, điều này tạo ra sự minh bạch, giúp người dùng dễ dàng theo dõi và quản lý chi tiêu. Nhiều ứng dụng thanh toán điện tử còn thường xuyên có các chương trình ưu đãi, hoàn tiền, mang thêm lợi ích cho người dùng.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức về những rủi ro và bất lợi của phương thức này. Việc phụ thuộc vào công nghệ có thể gây khó khăn khi điện thoại hết pin hoặc mất kết nối internet. Các vấn đề về bảo mật như nguy cơ bị hack tài khoản hoặc lộ thông tin cá nhân cũng cần được quan tâm. Đôi khi, việc thanh toán dễ dàng có thể dẫn đến tình trạng chi tiêu quá mức, đặc biệt là đối với người trẻ”, thạc sĩ Huy chia sẻ.

Thạc sĩ Huy khuyên để tránh những tình huống khó xử, người trẻ nên mang theo một số tiền mặt dự phòng. Trước khi đến một địa điểm mới, hãy kiểm tra trước những phương thức thanh toán được chấp nhận. Người trẻ cũng nên học cách sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán khác nhau để linh hoạt trong mọi tình huống. Về phía các chủ quán và dịch vụ, nên cân nhắc áp dụng đa dạng phương thức thanh toán để phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Đồng thời, việc tìm hiểu và đào tạo nhân viên về cách sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn và hiệu quả cũng rất quan trọng trong thời đại số hóa này.

Theo KIM NGỌC NGHIÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm