“Gia hạn nợ”, “giãn nợ” là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trong các phát biểu của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại của Hà Nội với doanh nghiệp vào chiều qua (16.4) để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ứng phó với dịch COVID-19.
Và cũng tại hành lang cuộc đối thoại này, nhiều đại diện của những doanh nghiệp “tỉ USD” cũng thừa nhận rằng: “Việc tiếp cận các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi là rất cần nhưng cần nhất, cấp bách nhất là phải được khoanh nợ, giãn nợ. Thời điểm này đi vay thì có thể được nhưng xin giãn nợ thì có vẻ như ai cũng lắc đầu”.
Doanh nghiệp hầu hết vay vốn làm ăn, mở mắt ra là thấy đến hạn nợ ngân hàng. Trong lúc kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đơn hàng ứ đọng, người lao động nghỉ việc thì những khoản lãi đã vay tạo ra áp lực cực kỳ lớn, tới mức “chỉ nghĩ đến nợ ngân hàng thôi là đã muốn đầu hàng”.
Đây là một thực tế khi mà nhiều ngân hàng, công ty tài chính sẵn sàng chìa tay để cho vay những khoản mới nhưng lại đặc biệt e dè khi nhắc tới chuyện giãn nợ.
Thực tế, Ngân hàng nhà nước hồi tháng 3 đã ban hành Quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Song các điều kiện khá khắt khe còn các tổ chức tín dụng đều mắc kẹt bởi hai từ “nợ xấu”.
Giãn nợ cho doanh nghiệp, thậm chí cả giãn nợ cho vay tiêu dùng. Nguy cơ không phải là không có khi dịch bệnh có khả năng làm suy yếu khả năng trả nợ cũ nhiều nhóm khách hàng dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính tăng nhanh.
Nhưng cơ cấu nợ cần làm và phải làm nhanh, bởi lẽ giãn nợ chính là làm tăng sức mạnh nội của doanh nghiệp, chống lại khả năng suy thoái.
Từ cuộc đối thoại với doanh nghiệp ngày hôm qua, đã có người dùng chính từ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ “yêu thương nhau thì phải giãn cách xã hội” để nói về nhu cầu “có yêu thương nhau thì cho nhau…giãn nợ”.
Nhưng để có những chính sách cụ thể hơn, có lẽ, cần chờ sau cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp dự kiến diễn ra cuối tháng 4 này. Ở đó, doanh nghiệp không chỉ chờ những gói hỗ trợ mới mà còn ngóng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là khả năng giãn nợ cho doanh nghiệp và cá nhân.
Chỉ có như vậy mà những cụm từ xin giãn nợ, giãn thuế mới không thốt lên day dứt ở những cuộc họp bàn giải pháp, như những tiếng kêu cứu trong lúc này.
Theo Hoàng Lâm (LĐO)