(GLO)- Một sự việc tưởng chừng rất giản đơn, giải quyết theo trình tự nhưng Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Pleiku đã đẩy sự việc nghiêm trọng và thế là tạo ra “xung đột” pháp lý giữa 2 cơ quan tư pháp đó là Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Pleiku và TAND TP. Pleiku.
Nội dung sự việc
Trong quá trình làm ăn với nhau, bà Vũ Lan Hà (trú tại 3/1 Nguyễn Thiếp, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) và bà Trần Thị Mỹ Hạnh (trú tại 29A Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku), từ chỗ xa lạ đã trở thành thân thiết bên nhau. Nhiều người nói với chúng tôi rằng đây là đôi bạn tốt trong làm ăn và tình cảm, vì họ luôn luôn quý trọng, thương yêu, giúp đỡ nhau. Thời gian trôi qua, không hiểu vì lý do gì, mối quan hệ của họ xấu đi vì chuyện tiền bạc.
Được biết đến năm 2011, bà Hà còn nợ bà Hạnh số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Đôi bên giằng co nhau cho nên bà Hà sang tên một lô đất ở phường Phù Đổng cho bà Hạnh với số tiền là 850 triệu đồng vào ngày 28-3-2012, coi như là để trả phần lớn số nợ mà mình đã vay của bà Hạnh. Cần lưu ý rằng, trong quá trình nợ nần thì có các loại giấy vay như: ngày 12-12-2011 Hà vay của Hạnh 200 triệu đồng, ngày 14-1-2012 bà Hà tiếp tục vay của bà Hạnh 100 triệu đồng và khoản nợ hụi 42 triệu đồng được xác nhận vào ngày 29-4-2012.
Tuy nhiên, sau khi trả 850 triệu đồng, bà Hà và bà Hạnh thỏa thuận làm một khế ước khác trong đó ghi rõ: Từ năm 2013, bà Hà phải trả dần hàng tháng cho bà Hạnh số nợ hơn 300 triệu đồng nói trên. Mặt khác, bà Hạnh còn ghi thêm vào trong khế ước, coi như là một sự đồng ý chấp nhận cho bà Hà thực hiện phương án: “Nếu tình hình xấu nhất, 300 triệu đồng bà Hà trả dần trong hai năm, còn nếu bà Phạm Thị Sương là con nợ của bà Hà đã trả nợ số tiền nợ cho bà Hà là 1.925.000.000 đồng thì bà Hà phải trả dứt điểm cho bà Hạnh một lần”. Điều oái oăm là theo bà Hạnh thì bà không biết bà Sương là ai và thực ra có nợ bà Hà số tiền như trên và đã trả nợ cho bà Hà hay chưa thì hoàn toàn không biết.
Ngày 28-3-2013, bà Trần Thị Mỹ Hạnh kiện bà Vũ Lan Hà ra TAND TP. Pleiku đòi khoản nợ hơn 300 triệu đồng như chúng tôi đã trình bày ở trên, 3 ngày sau (tức ngày 1-4-2013), TAND TP. Pleiku thụ lý vụ án. Ngày 4-4-2013, bà Hạnh yêu cầu biện pháp áp dụng khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà của bà Hà tại 40 Cù Chính Lan (TP. Pleiku) và căn nhà 3/1 Nguyễn Thiếp. Tiếp theo ngày 23-4, TAND TP. Pleiku ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 29/2013/QĐ-BPKCTT phong tỏa một phần quyền sở hữu, quyền sử dụng căn nhà 40 Cù Chính Lan (TP. Pleiku) do thẩm phán Ngô Thanh Quảng ký.
“Xung đột” pháp lý
Điều đáng nói trong câu chuyện này là xuất hiện “người thứ ba” nhưng thực chất là đối tượng chính trong việc định đoạt tài sản, đó là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh TP. Pleiku. Căn nhà 40 Cù Chính Lan đã được bà Hà thế chấp để vay tiền tại ngân hàng này, như vậy về lý căn nhà này không còn của bà Hà.
Do vậy, khi có quyết định phong tỏa tài sản của TAND TP. Pleiku, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT TP. Pleiku ra văn bản ngày 8-8-2012 do ông Giám đốc Võ Thiện ký với lời lẽ hết sức nặng nề: “Quyết định của TAND TP. Pleiku đã cản trở, gây thiệt hại cho ngân hàng…”. Căn cứ vào vào khoản 4, điều 4, Nghị định 163/20006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT TP. Pleiku đề nghị Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, Chánh án TAND TP. Pleiku hủy quyết định khẩn cấp tạm thời nói trên”.
Trong vụ việc này, VKSND TP. Pleiku và TAND TP. Pleiku đã có những “xung đột” pháp lý đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm. Tại Công văn số 374 ngày 17-6-2013 của VKSND TP. Pleiku xác định rằng: “Theo nội dung đính chính của bà Hạnh tại giấy thỏa thuận thì bà Hạnh không nêu rõ thời điểm trả nợ là lúc nào, việc trả dần là theo ngày tháng năm nào? Và mỗi lần trả là bao nhiêu? Bà Phạm Thị Sương là con nợ của bà Hà đã trả nợ cho bà Hà hay chưa?...
Do đó chưa đủ căn cứ để khẳng định bà Vũ Lan Hà vi phạm thời hạn trả nợ theo thỏa thuận”. Từ đó, VKSND TP. Pleiku cho rằng TAND TP. Pleiku đã làm trái quy định tại khoản 4, Điều 117 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011. Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku cũng yêu cầu TAND TP. Pleiku đình chỉ giải quyết vụ án này vì không có cơ sở để khẳng định bà Vũ Lan Hà vi phạm thời hạn trả nợ với bà Trần Thị Mỹ Hạnh.
Chưa hết, tại công văn này, VKSND TP. Pleiku nêu rõ: “Quyết định của TAND TP. Pleiku thiếu sót cần được nghiêm túc khắc phục và rút kinh nghiệm nhằm cho việc đảm bảo thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Chánh án TAND TP. Pleiku chấm dứt các vi phạm nói trên và thông báo lại cho VKSND TP. Pleiku trong thời hạn 30 ngày”.
Tuy nhiên, Viện nói cứ nói còn Tòa làm thì cứ làm. Tòa cho rằng mình đúng và tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa vụ kiện ra xét xử mà không đoái hoài đến kiến nghị của VKSND TP. Pleiku và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT TP. Pleiku.
Chúng tôi cho rằng đây là một việc rất nhỏ. Bởi lẽ, hiện nay tại TP. Pleiku những món nợ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng đang rơi vào bế tắc, vô phương khắc phục thì với món nợ vài trăm triệu đồng đang còn nằm trong vòng thanh toán thì TAND TP. Pleiku đã vội vàng tiến hành những biện pháp “mau lẹ”, tạo thêm sự khó hiểu cho người dân trong việc quan hệ làm ăn, giải quyết nợ nần, đồng thời càng tạo sự phức tạp trong việc giải quyết về góc độ pháp lý của những cơ quan có thẩm quyền.
Duy Anh