Việc cơ quan chức năng tại Hải Phòng khẩn trương vào cuộc và có biện pháp tố tụng với trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 và lực lượng thi hành công vụ trong phòng chống dịch bệnh được dư luận ủng hộ.
Hành vi không chấp hành yêu cầu đo thân nhiệt tại nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19 có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đo thân nhiệt, qua thực tiễn đã chứng minh là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19, từ đó góp phần ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Thế nên, hành vi không chấp hành đo thân nhiệt của người phụ nữ ở Hải Phòng, hơn nữa còn chống đối lực lượng thực thi công vụ phòng chống dịch bệnh, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hơn 3 tháng qua, cả nước ta đã phải căng sức gồng mình chống dịch Covid-19. Những nỗ lực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A càng khó thêm sau khi dịch bùng phát tại quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với nhiều tuyến đường vận tải đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy; hoành hành dữ dội tại các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới có giao thương và giao lưu đi lại rất lớn với nước ta. Nhìn ra thế giới mới thấy việc tính tới hết ngày 5-4, Việt Nam mới có 241 trường hợp mắc Covid-19, trong đó hơn 90 người khỏi bệnh, không ai tử vong đã cho thấy nỗ lực lớn lao thế nào của nhà nước và mỗi người dân chúng ta.
Nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã phải hy sinh không nhỏ, từ lợi ích kinh tế tới nhịp sống thường nhật của cả đất nước và từng người dân theo yêu cầu trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm tối đa sự an toàn, tính mạng và sức khỏe của người dân.
Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, rất cần sự chung sức đồng lòng của mọi người dân. Một hành động thiếu ý thức, vô trách nhiệm hay vi phạm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Không thể suy nghĩ và hành động giản đơn rằng không đo thân nhiệt hay không đeo khẩu trang… là "có gì to tát đâu". Lối tư duy và hành xử đó cũng là căn nguyên của các hành vi nghiêm trọng hơn như trốn cách ly, khai báo y tế gian dối khi nhập cảnh.
"Cái sảy nảy sái ung", "Sai một ly đi một dặm", tất cả những hành vi vi phạm trong phòng chống dịch bệnh vì thế rất cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời. Đó là điều mà cơ quan lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng và Chính phủ đã yêu cầu. Mới đây nhất, trong chỉ thị ban hành ngày 3-4, cơ quan tố tụng cấp trung ương là VKSND Tối cao đã yêu cầu xử lý hình sự một số vụ điển hình nhằm răn đe trong phòng chống dịch Covid-19.
"Chống dịch như chống giặc", vì thế mọi hành vi tiếp tay cho "giặc" dịch Covid-19 đều phải bị xử lý nghiêm khắc, nếu không thì những công sức, hy sinh của cả đất nước và mỗi người dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)