(GLO)- Không chạy theo thành tích, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hiện đang thực hiện rất chặt chẽ công tác kiểm tra trường đạt chuẩn quốc gia nhằm mang lại lợi ích thực sự cho người dạy và người học.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 239/836 trường đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 28,58%). Trong đó, bậc mầm non có 59/270 trường đạt chuẩn, bậc tiểu học có 92/279 trường, bậc THCS có 75/240 trường và bậc THPT có 13/47 trường được công nhận đạt chuẩn. Theo đánh giá của những người làm công tác kiểm tra trường đạt chuẩn của Sở GD-ĐT thì tỷ lệ này khá thấp so với cả nước. Tuy nhiên, “không vì thế mà qua loa, dễ dãi trong công tác kiểm tra trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học”-đó là quan điểm của ngành GD-ĐT tỉnh.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Kông Chro) đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia hồi cuối năm 2017. Ảnh: N.G |
Ông Huỳnh Minh Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn gắn với việc đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ giáo dục của xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng trường chuẩn quốc gia chính là để chuẩn hóa, hiện đại hóa các hoạt động tổ chức và quản lý trường học, hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm tạo ra môi trường giáo dục tương đối đồng đều giữa các địa bàn, tạo cơ hội bình đẳng về điều kiện học tập cho mọi trẻ em ở các vùng kinh tế-xã hội khác nhau. Công tác này cũng nhằm tạo ra cơ hội để huy động nhiều nguồn lực chung tay vì giáo dục”.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Thuận, ngay từ đầu năm, Sở GD-ĐT đã chủ động ban hành văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát kế hoạch, tự kiểm tra và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nên cũng có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất. Tuy vậy, việc triển khai xây dựng trường chuẩn ở một số huyện chưa đạt chỉ tiêu được giao. Ví dụ: đối với bậc THCS, theo kế hoạch đăng ký của các địa phương thì huyện Đức Cơ còn thiếu 1 trường; Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Chư Pưh) dù đã đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn trong năm 2017 nhưng qua kiểm tra, thẩm định thì không đạt so với tiêu chuẩn nên không được công nhận.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, hầu hết các đơn vị đều thiếu biên chế (văn thư, y tế, thiết bị); gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất do đầu tư thiếu đồng bộ, đặc biệt là diện tích phòng học không đảm bảo, thiếu hệ thống phòng chức năng, hệ thống phòng học bộ môn, công trình vệ sinh... Công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế, nhất là việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài ra, một số trường có tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cao nên chưa đạt chuẩn. Công tác tuyên truyền chưa sâu; một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và một bộ phận nhân dân chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Mai Văn Sơn-Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), người thường xuyên tham gia công tác kiểm tra trường đạt chuẩn quốc gia, cho biết: “Việc cụ thể hóa kế hoạch, mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chậm. Công tác tham mưu của các cấp quản lý giáo dục không đồng bộ, chưa hiệu quả và thiếu linh hoạt. Do đó, chưa thực sự huy động được sự ủng hộ của nhân dân trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cán bộ quản lý một số trường chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; một số giáo viên chưa nhiệt tình trong công tác, tay nghề yếu, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy... Biên chế đội ngũ giáo viên, nhân viên chưa đáp ứng đúng, đủ theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia do chủ trương không tuyển dụng, không cho hợp đồng nhân sự”.
Thêm 6 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia Lương Thanh |
Trước những khó khăn đó, ngành GD-ĐT đã đề ra những giải pháp cụ thể để công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả cao. Trong đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với việc xây dựng nông thôn mới được coi là giải pháp quan trọng. Ngành GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng lộ trình phấn đấu cụ thể, tích cực và chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên các trường học nhằm đảm bảo đạt chuẩn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Nguyễn Giang