(GLO)- Giá xăng dầu giảm vào dịp cuối năm được xem là tác nhân làm giảm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng, đặc biệt là loại bỏ được phần nào “lý do” tăng giá hàng hóa phục vụ Tết mà các cửa hàng thường hay “vin” vào.
Ảnh: Lê Lan |
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai thì giá cước vận tải của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh đã giảm 5%-10%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là Huy Hoàng và Hùng Nhân là chưa giảm.
Tương tự, cước vận tải hàng hóa cũng đã giảm. Hiện tại, giá cước vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai đã giảm từ 700.000 đồng/tấn xuống còn 650.000 đồng/tấn (tùy từng mặt hàng). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhẹ. Ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Mức giảm bình quân chung các mặt hàng 2-3%, tùy nhà cung cấp mà mức giảm cũng khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào giá nguyên-vật liệu và chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, việc giảm giá hầu như chỉ được thực hiện đối với những mặt hàng bị kiểm soát gắt gao hoặc ở những đơn vị kinh doanh lớn, uy tín còn đối với thị trường “trôi nổi” bên ngoài thì cơ chế giá vẫn theo kiểu: xăng dầu tăng thì nhanh chóng “té nước theo mưa” nhưng nếu giảm thì “lơ đẹp”. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh-một tiểu thương kinh doanh hàng hải sản tại chợ đêm Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku) bức xúc: Nói giá cả giảm ở đâu chứ bản thân tôi đi từ Quy Nhơn lên Pleiku vẫn 90.000 đồng/vé mà giá này đã mấy tháng nay rồi, hàng hóa gửi kèm cũng vậy, một thùng cá cũng mất 80.000 đồng chứ có bớt đồng nào. Ngay cả mấy bao lá chuối cũng vẫn giữ giá như thế (khoảng 50.000 đồng/bao). Còn theo anh Trần Văn Thanh-hành nghề xe ôm tại Trung tâm Thương mại Pleiku thì giá cước xe ôm vẫn thế, từ năm ngoái đến nay chẳng giảm cũng chẳng tăng. “Xăng giảm nhỏ giọt vài trăm đồng/lít đâu có đáng kể mà tăng hay giảm giá cước. Hơn nữa việc tính cước xe ôm cũng chỉ là ước lượng, nhắm địa điểm đến rồi ra giá, khách đồng ý thì chạy thôi”-anh Thanh lý giải.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thực tế mức điều chỉnh giá do biến động xăng dầu là không đáng kể, một số đơn vị vận tải hành khách giảm giá chỉ do “áp lực” từ dư luận và cạnh tranh lẫn nhau. Còn đối với các đơn vị vận tải hàng hóa thì mức giảm giá cước chẳng qua là đang vào mùa vận chuyển cà phê đi TP. Hồ Chí Minh nên “hàng xuống” nhiều thì cước “hàng lên”-tức chiều ngược lại từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai sẽ giảm, thực chất không phải giảm giá cước do xăng dầu giảm. Ngay cả các mặt hàng hóa trên thị trường dù giá cước có giảm nhưng giá hàng hóa được các công ty xây dựng từ đầu nên dù chi phí vận chuyển giảm cũng chẳng “giúp ích” gì cho người tiêu dùng vì họ vẫn phải mua với giá cũ.
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm gần đây nhất là ngày 6-12-2014, hiện giá xăng RON 92 là 19.939 đồng/lít, dầu diesel là 18.413 đồng/lít, dầu hỏa là 18.971 đồng/lít và dầu mazut là 14.827 đồng/kg. Như vậy, giá mặt hàng xăng đã được điều chỉnh giảm 312 đồng/lít, diesel giảm 244 đồng/lít, dầu hỏa giảm 279 đồng/lít và dầu mazut giảm 314 đồng/kg. |
“Sở Giao thông-Vận tải đã trình UBND tỉnh xin thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc tính toán giá cước và niêm yết giá cước vận tải theo quy định của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15-10-2014 của Liên bộ Tài chính và Giao thông-Vận tải thay thế cho Thông tư 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT. Theo thông tư này, việc tính toán giá cước phải căn cứ theo các yếu tố đầu vào, tăng hay giảm phải có cơ sở. Nếu giá nhiên liệu giảm mà giá cước không giảm là không đúng”-ông Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm. Trong khi đó, ông Bùi Quốc Bình cũng cho rằng cơ chế giá hiện nay rất khó điều chỉnh và cập nhật tức thì bởi thông thường đơn vị đàm phán giá khoảng 6 tháng mới thực hiện một lần.
Giá xăng dầu giảm thì đã rõ, cước vận tải cũng đã giảm nhưng giá cả thị trường có thực sự giảm theo hay không vẫn còn là một bài toán cần lời giải.
Lê Lan