(GLO)- Vẫn biết dùng hàng "Made in Việt Nam" là cách thể hiện lòng yêu nước. Vậy nhưng, trong cơ chế cạnh tranh tự do của thị trường, người tiêu dùng được quyền tự quyết định chọn mua những mặt hàng phù hợp với điều kiện tài chính, mang lại giá trị sử dụng cao cho bản thân và gia đình. Bởi vậy mà ngay ở thị trường tỉnh lẻ như Gia Lai vẫn có những mặt hàng ngoại được người tiêu dùng đặc biệt ưu ái...
“Điểm mặt” các mặt hàng ngoại hút khách
Mỹ phẩm, các loại thực phẩm chức năng, dụng cụ thể thao… là những mặt hàng ngoại được người tiêu dùng Gia Lai lựa chọn vượt trội hơn hẳn các sản phẩm nội. Các mặt hàng này một phần được các công ty nhập khẩu rồi phân phối ra thị trường, một phần thông qua con đường “xách tay” từ nước ngoài về tiêu thụ trong nước. Chưa bàn đến nguồn gốc thật sự của các sản phẩm đi theo con đường này nhưng chắc chắn, để có được sức hút lâu bền và hấp dẫn người tiêu dùng phải có lý do thuyết phục nào đó.
Một shop đồ thể thao trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku. Ảnh: Lê Hòa |
“Trước đây, mình cũng từng dùng qua một vài loại mỹ phẩm thông thường do Việt Nam sản xuất, có quảng cáo trên truyền hình hẳn hoi song vẫn cảm thấy chưa ưng ý. Phấn, son nhanh trôi, không mịn màng, tạo cảm giác mặt không thật… Sau khi chuyển qua dùng sản phẩm một vài hãng mỹ phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đức thì mình thấy chất lượng tốt hơn hẳn, không chỉ đẹp, độ lưu bám tốt mà còn ít gây tác động tới da mặt. Dù giá cả sản phẩm cao gấp nhiều lần nhưng mình vẫn dùng hàng ngoại”-chị Nguyễn Thị Thảo-nhân viên một cơ quan nhà nước tại TP. Pleiku chia sẻ. Không riêng chị Thảo mà đa phần chị em ưa thích việc trang điểm mỗi ngày và có mức thu nhập tạm ổn trở lên, có ý thức chăm sóc, bảo vệ da đều lựa chọn con đường tiêu dùng này.
Với tuýp chị em, thậm chí không ít các anh yêu thích mùi hương thì nước hoa luôn là vật bất ly thân. Sản phẩm này cũng là một trong những mặt hàng mà người tiêu dùng chuộng dùng hàng ngoại, tất nhiên phải là những sản phẩm đến từ những đất nước nổi tiếng về công nghiệp sản xuất nước hoa, như: Pháp (Chanel, Lancome, Kenzo, Guerlain), Anh (Park Royal, Burberry), Ý… Các loại nước hoa trên chưa dành cho số đông mà phần lớn những người dùng nước hoa thường xuyên thường là người có điều kiện về kinh tế, có chút điệu đà, lãng mạn.
Không riêng ở các sản phẩm hóa mỹ phẩm, đối với những người yêu thích tập luyện thể dục thể thao, các dụng cụ tập luyện và hỗ trợ tập luyện, quần áo, giày dép ngoại nhập cũng được họ săn lùng bất chấp mức giá bị đội lên rất nhiều.
"Đắt xắt ra miếng"
Với những mặt hàng ngoại như trên tất nhiên người tiêu dùng phải là người có điều kiện về tài chính mới có đầu tư chăm sóc và mạnh tay đầu tư phục vụ bản thân. Không ít người cho rằng, đó là cách tiêu dùng xa xỉ, lãng phí… Thậm chí, nhiều người còn bị “gắn mác” là thích thể hiện. Tuy nhiên, bản thân họ là người đủ thông minh tạo ra thu nhập cao thì chắc chắn họ cũng sẽ thông minh để biết đặt đồng tiền của mình ở vị trí xứng đáng. Không những thế, nhiều người còn nhận thấy “đắt xắt ra miếng”, mua đắt tiền chưa hẳn đã đắt. Vấn đề nằm ở giá trị sử dụng.
“Cùng một sản phẩm là nước rửa chén nhưng nếu mua hàng Thái Lan giá chỉ nhích hơn các sản phẩm của Việt Nam chừng 15 ngàn đồng/chai cùng thể tích nhưng dùng thấy thích hơn hẳn. Mùi thơm dịu nhẹ, rửa không gây nhớt tay và rất tiết kiệm. Nếu chai nước rửa chén trước đây mình dùng chừng 2 tháng đã hết thì dùng nước rửa chén Thái, thời gian dùng có thể kéo dài 3 đến 4 tháng. Tính ra không đắt nhưng lại cảm thấy hài lòng hơn”-chị Lê Thị Liên (tổ 3, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cho biết. Từ khi tại Pleiku xuất hiện một vài điểm bán các sản phẩm hóa mỹ phẩm nhập về từ Thái Lan, chị dần chuyển qua dùng các sản phẩm này.
Tương tự, nhân viên một ngân hàng tại TP. Pleiku cho biết, hầu hết các sản phẩm dành cho con chị đều dùng hàng ngoại nhập như tã bỉm, sữa, quần áo, giày dép… Nhiều người bảo lãng phí nhưng quả thực có dùng mới biết, nó đáng đồng tiền bát gạo, dùng tốt hơn hẳn những loại khác dù nếu nhìn cảm quan bên ngoài sẽ thấy mắc tiền hơn...
Cảm quan bên ngoài sẽ có nhiều người cho rằng, mua cái váy, đôi giày cả triệu đồng là lãng phí, không cần thiết bởi chỉ cần vài trăm ngàn đồng cũng có thể mua được những thứ ấy. Nhưng cũng giống như điện thoại hay laptop, xe máy… chất lượng mới là yếu tố quyết định. Cũng có người sẽ cho rằng, như vậy là không ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, không chia sẻ với họ trong điều kiện nền sản xuất Việt Nam còn lạc hậu so với các nước khác. Tuy nhiên bước vào cơ chế thị trường cạnh tranh tự do, có lẽ hãy coi đây như là động lực để các nhà sản xuất Việt Nam cải tiến và bắt nhịp xu thế, chứ không thể trông chờ vào một sự ưu ái nào đó của người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay rộng lớn hơn là ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Lê Hòa