(GLO)- Xã Ia O (huyện Ia Grai) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72,6%, với tổng số 1.100 hộ và 2.256 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,5%. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính nên còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Cây trồng chủ lực là điều, cao su tiểu điền và mì. Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai, Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế ở địa phương và tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó, sáng tạo, cần cù của mỗi người dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương đi lên.
Ảnh: Lê Nam |
“Xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới khó khăn lắm, nhất là huy động sự đóng góp trong dân”-ông Siu Nghiệp-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, cho biết. Ông Siu Nghiệp cho biết thêm, xã có 9 làng và làng xa trung tâm xã nhất hơn 10 km, dân sống rải rác trên địa bàn rộng, điều kiện kinh tế của người dân còn thấp nên việc huy động vốn góp của người dân để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không thể huy động được. Riêng hệ thống giao thông nội đồng lại càng khó bởi người dân chủ yếu làm nương rẫy địa hình xa cách… Một số tiêu chí khác trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn và cũng khó thực hiện được như: trường học đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người/năm, nhà ở người dân.
Nhận thấy được những khó khăn đặt ra nên cấp ủy, chính quyền xã Ia O đã tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới để nhân dân hiểu và tham gia. Xã cũng đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tập trung vào xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép tất cả các nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, tỉnh và huyện để xây dựng nông thôn mới. Qua 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt được 8/19 tiêu chí. Nếu như năm 2010 hệ thống đường giao thông nông thôn chỉ có khoảng 3 km đường nhựa thì nay đã có hơn 8,5 km; các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện lưới quốc gia được xây dựng, nâng cấp, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, kinh doanh và nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Ngoài ra, để giúp người dân phát triển kinh tế, xã Ia O tích cực giúp người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Tổng diện tích gieo trồng toàn xã năm 2014 được hơn 2.228 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu vào cây công nghiệp dài ngày với hơn 700 ha như cao su, cà phê, điều… đây là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững thay thế những loại cây lương thực như lúa rẫy, bắp, mì… Ngoài ra, trên địa bàn có các Công ty 74, 75, 715 (Binh đoàn 15) phần nào tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài việc giúp người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, đàn gia súc của xã từng bước được lai cải tạo theo hướng nạc hóa đàn heo, lai cải tạo đàn bò. Tổng đàn gia súc trên địa bàn hiện đạt hơn 14.244 con (tăng 109,5% so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,9% năm 2010 xuống còn 15,5% năm 2014; thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/năm, tăng 2,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. đây là những con số biết nói minh chứng sự chuyển mình của người dân vùng biên góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng xã vùng biên phát triển kinh tế-xã hội vững chắc, giữ vững an ninh biên giới.
Lê Nam