Dưới triều Nguyễn, thời gian nghỉ tết trên toàn quốc thường được quy định từ ngày 28 tháng chạp cho đến mùng 8 tháng giêng năm sau.
|
Triển lãm " Tết hoàng cung xưa qua mộc bản triều Nguyễn" diễn ra vào sáng 18-1 - Ảnh: NHẬT LINH |
Sáng 18-1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Cục Lưu trữ quốc gia IV tổ chức triển lãm "Tết hoàng cung xưa qua mộc bản triều Nguyễn" tại Trường lang Đại Cung môn (Đại nội Huế). Thông qua 32 tư liệu mộc bản được trưng bày tại triển lãm giúp người xem hiểu hơn được phần nào việc đón tết của vua, quan, hoàng tộc xưa trong cung cấm.
Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được xem là lễ hội quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Vào ngày mùng 1 tháng chạp, vua sẽ ngự ở lâu Ngọ Môn để ban lịch năm mới do Khâm Thiên giám soạn thảo cho các bá quan. Người dân sẽ nhận lịch này ở địa phương.
|
Ống lệnh bằng đồng dùng để bắn vào đêm giao thừa trong hoàng cung - Ảnh: NHẬT LINH |
Thường dưới triều Nguyễn, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán được quy định từ ngày 28 tháng chạp cho đến mùng 8 tháng giêng năm sau.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, nhà vua sẽ đến Thái miếu hoặc Thế miếu tiến hành lễ Cáp hưởng để mời vong linh các vị tiên đế, tổ tông đã khuất trở về hoàng cung ăn tết.
Sau lễ Cáp hưởng, nhà vua sẽ thực hiện lễ Tuế trừ với mong muốn rũ sạch những bụi bẩn, xui xẻo… của năm cũ để đón một năm mới tốt đẹp.
Vào đêm 30 tết, toàn kinh thành treo pháo lên cây nêu để đốt vào thời khắc giao thừa. Trong Đại nội, quan Hữu ty chuẩn bị thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh.
Vua mang hoàng bào, ngự ở điện Thái Hòa. Chỉ có quan lại thuộc hàng nội thân mới được "thượng điện". Bá quan văn võ từ tam phẩm trở lên đứng ở thềm điện, từ tứ phẩm trở xuống chầu dưới sân rồng.
|
Mộc bản ghi lại việc vua Minh Mạng phê chuẩn khối lượng thuốc súng, số lần phóng của ống lệnh trong 3 đêm Tết Nguyên đán ở ngoài Tử Cấm thành - Ảnh: NHẬT LINH |
Theo quy định dưới triều Nguyễn, trong đêm giao thừa, các cửa ở lối đi trong Tử Cấm thành và Tả Đoan, Hữu Đoan của Đại nội sẽ được mở toang. Trong sân điện Thái Hòa vào đêm giao thừa, mỗi khắc sẽ cho nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1.000 tiếng giòn tan.
Vào ngày đầu năm mới, nhà vua sẽ đi đến cung của hoàng thái hậu để dâng lễ chúc tết. Sau đó, vua sẽ về các điện trong Đại nội để hoàng thân, quan triều đình làm lễ chúc mừng năm mới và ban tiệc. Ngoài việc dự yến, các quan viên còn được thưởng thêm tiền, tùy theo chức trách của từng người mà tiền thưởng cũng có phần khác nhau.
|
Đội ngũ người hầu chuẩn bị cho một buổi yến tiệc trong Đại nội - Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp |
Ngoài thưởng yến và tiền, nhiều vị vua còn có các cách thưởng tết khác nhau trong ngày đầu năm mới. Theo mộc bản, vua Thiệu Trị ngự ở điện Đông Các, cho triệu đình thần vào hầu, ban nước trà uống, rồi đưa cho xem bốn chữ "Trung, cần, phúc, thọ" do vua viết. Rồi hạ lệnh giao khắc in để ban cấp. Còn vua Tự Đức tặng thơ cho các quan đại thần vào năm 1848.
5 Mộc bản ghi lại sự kiện vào ngày mùng 1 tết, vua Tự Đức đi đến cung Từ Thọ chúc tết thái hậu, sau đó vua trở về điện Văn Minh nhận lễ lạy chúc mừng năm mới của các bá quan - Ảnh: NHẬT LINH
Với dân chúng, dịp Tết Nguyên đán là lúc để nhà vua bày tỏ sự quan tâm đến với đời sống của người dân, quân lính…
Thông thường, vua triều Nguyễn thường ban chiếu giảm tô thuế, giảm tội hoặc ân xá cho tù nhân, phục hồi chức vụ cho quan lại bị giáng cấp, thưởng tiền cho những người có công trạng, lính đồn biên viễn...
Vào ngày mùng 3 tết, trong Đại nội sẽ thực hiện lễ hóa vàng.
Theo Nhật Linh (TTO)