(GLO)- Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2012-2013 toàn tỉnh gieo trồng 61.000 ha, trong đó lúa nước chiếm 26.630 ha, bắp lai 5.000 ha, cây thực phẩm 12.120 ha, diện tích còn lại tập trung cây tinh bột có củ và cây trồng khác.
Đến thời điểm này, tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân đã chính thức khởi động, song điều quan ngại nhất hiện nay là diễn biến thời tiết thất thường. Lượng mưa năm 2012 trên phạm vi toàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm nên nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ là rất cao, nhất là khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh.
Ảnh: Duy Danh |
Lượng mưa tại 2 khu vực trên trong năm 2012 chỉ đạt xấp xỉ 800 mm, bằng 78- 95% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Hạn hán đã làm hơn 4.400 ha bắp, lúa, hoa màu tại địa bàn các huyện Kông Chro, Kbang, Đak Pơ bị mất mùa hoặc giảm năng suất.
Thực tế, diện tích cây trồng tại các huyện: Kông Chro, Kbang, Đak Pơ bị hạn không thuộc chỉ tiêu gieo trồng vụ Đông Xuân 2012-2013. Tuy nhiên, hạn xảy ra ngay thời điểm khởi động vụ gieo trồng Đông Xuân khẳng định dự báo thời tiết của cơ quan chuyên môn là có cơ sở, đòi hỏi cơ quan chuyên môn cần có định hướng sản xuất vụ Đông Xuân phù hợp, hạn chế tối thiểu thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra là hết sức cần thiết.
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định giải pháp căn cơ vẫn là tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng cơ cấu giống phù hợp và quy trình tích nước, điều tiết nước tưới của hệ thống công trình thủy lợi. Sở yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân, nhất là diện tích trồng lúa nước để xác định cụ thể diện tích đảm bảo nguồn nước và không đảm bảo nước tưới. Từ đó hướng dẫn nông dân tập trung chuyển diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước tưới đến cuối vụ sang trồng rau, màu, đậu đỗ các loại.
Xuất phát từ lịch gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay không sớm hơn so với cùng kỳ, nên cơ cấu giống các loại cây trồng chính là lúa nước, bắp lai được chọn là giống có thời gian gieo sạ đến thu hoạch 90-120 ngày đã khẳng định năng suất như ĐV108, Q5…; đồng thời bổ sung thêm giống lúa Khang Dân đột biến; TH85; Nhị ưu 838 và Bio 404 cho khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Kpă Thuyên khẳng định: Giống cung ứng cho vụ sản xuất Đông Xuân năm nay không thiếu. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân chọn giống cấp 1, giống thuần chủng; không nên sử dụng hạt thóc mới thu hoạch, giống lúa cũ đưa vào gieo sạ dễ bị thoái hóa.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu giống, việc điều tiết nguồn nước tưới của 314 công trình thủy lợi là giải pháp quan trọng. Theo đánh giá của ông Kpă Thuyên, 29 công trình thủy lợi do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi đã tích đủ nước phục vụ tưới; đồng thời xây dựng lịch tưới luân phiên giữa cây trồng ngắn và dài ngày, ngăn ngừa tình trạng tranh chấp nguồn nước.
Đặc biệt, công trình hồ chứa nước Ia Mláh (huyện Krông Pa) tiếp thêm nguồn nước cho công trình thủy lợi Phú Cần cung cấp nước cho cây trồng, hạn chế một phần nguy cơ hạn trên địa bàn huyện Krông Pa. Điều lo ngại hiện nay là khả năng duy trì nguồn nước của hệ thống thủy lợi địa phương quản lý, khai thác. Bởi lẽ phần lớn các công trình địa phương quản lý, nguồn nước tích trữ đang ở hiện trạng chảy tự nhiên, chứ chưa chủ động được quy trình điều tiết nguồn nước tưới.
Khắc phục hạn chế này, Sở đã yêu cầu các địa phương chủ động tích nước, xây dựng kế hoạch tưới phù hợp với lịch gieo trồng; bố trí kinh phí để tu bổ, nạo vét kênh mương, hạn chế tối thiểu việc thất thoát nguồn nước; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm… Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần giải quyết nước tưới cho vụ Đông Xuân.
Quang Văn