Tư vấn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em cộng đồng dân tộc thiểu số. |
Ngày 21-2 , ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Trưởng đoàn đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, đã trình bày báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Chống phân biệt chủng tộc (CERD) tại phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban công ước này tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ).
Sau bài phát biểu của ông Hà Hùng, 14 trong số 18 thành viên của Ủy ban đã lần lượt đặt câu hỏi cho đoàn Việt Nam, tuy nhiên phần giải đáp sẽ được trình bày trong phiên họp ngày 22-2.
Ông Hà Hùng nêu rõ kết quả thực hiện công ước từ năm 2000-2009 chính là việc đảm bảo các quyền cơ bản cho người thiểu số. Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc anh em.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước, tạo nên một quốc gia thống nhất.
Các dân tộc thiểu số Việt Nam phân bố trên ba phần tư diện tích cả nước, cư trú xen kẽ nhau, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ.
Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp dân tộc có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa của cộng đồng, là điều kiện thuận lợi để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam.
Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số.
Nhà nước Việt Nam khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam.
Hơn 10 năm qua Việt Nam đã đạt bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao.
Chính sách dân tộc của Việt Nam không những được thể chế bằng Hiến pháp và các luật, mà còn được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thông qua các chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc, các chính sách cụ thể đối với người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ông Hà Hùng khẳng định lập trường của Việt Nam là kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc.
Về pháp luật quốc tế, cho đến nay Việt Nam là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, như Công ước CERD, Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng...
Việt Nam hiện đang tiến hành các thủ tục nhằm phê chuẩn Công ước về Người khuyết tật và đang xem xét gia nhập Công ước chống tra tấn, khả năng gia nhập Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế.
Ông Hà Hùng cũng nêu những giải pháp cơ bản của chính phủ tiếp tục thực hiện Công ước CERD, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tăng cường đầu tư, hỗ trợ, phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, gắn với phát huy nội lực, thế mạnh của từng dân tộc thiểu số nhằm thực hiện hiệu quả chính sách đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số.
Phiên họp của Ủy ban công ước CERD kéo dài từ ngày 13-2 đến 9-3 với sự tham gia của 11 quốc gia thành viên báo cáo thực hiện công ước CERD.
Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Công ước CERD từ năm 1982.
Theo TTXVN