Trước những mong đợi của người dân vào việc giải quyết những vấn đề nóng hổi của đất nước, lời căn dặn của Bác Hồ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nghị trường Quốc hội kỳ họp lần thứ 8, khóa XIII sôi động với những vấn đề nóng hổi, thiết thực của đất nước, nhân dân. Cử tri trong nước cũng như dư luận báo chí quốc tế đánh giá cao những ý kiển thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội hay đóng góp vào các dự luật sửa đổi Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương.
Mới đây, đại biểu Đỗ Thị Hoàng-Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị hợp nhất cơ quan Đảng với Nhà nước, được nhiều cử tri tán thành, hoan nghênh, thể hiện trên báo chí và các trang mạng xã hội.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII |
Trong thực tế, mấy năm nay, nhiều cơ quan, cơ sở đã thử nghiệm “nhất thể hóa chức danh Đảng với chính quyền”, trong đó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay thủ trưởng cơ quan. Tuy chưa có cuộc tổng kết rút kinh nghiệm trên quy mô lớn, nhưng trong thực tiễn đã thể hiện những cái được và chưa được của mô hình này.
Trước hết những nơi, những đơn vị làm tốt thể hiện sự chỉ đạo tập trung, ra quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Thứ hai, bộ máy tinh giảm, ít chồng chéo, trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn. Thứ ba, giảm thiểu các cuộc họp giao ban, liên tịch, tập trung chỉ đạo, sát sao cơ sở. Nhưng trong quá trình vận hành mô hình “nhất thể hóa” cho thấy nhìn chung mang tính hình thức. Các bản báo cáo tổng kết tháng, quý, năm chỉ là phép cộng các việc của Đảng với Chính quyền.
Đảng ta là Đảng cầm quyền. Phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Hoạt động của Đảng không phải là phép cộng khô cứng với Nhà nước, càng không phải là ở ngoài Nhà nước, hay đứng trên Nhà nước. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là thể hiện sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, có nghĩa là lãnh đạo bằng Nhà nước pháp quyền và đề cao vai trò làm chủ, giám sát của Nhân dân thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thực trạng hiện nay là bên Đảng có cơ quan, bộ phận nào thì bên chính quyền có cơ quan, bộ phận tương ứng. Cũng là công việc tổ chức bộ máy, quản lý con người, cũng là Đảng lãnh đạo và sử dụng con người ấy, nhưng cả hai cơ quan tổ chức cùng theo dõi, cùng quản lý với cấp độ khác nhau, nên khi có “sự cố” thì bên này đổ lỗi cho bên kia, hay bên chính quyền thụ động chờ kết luận bên đảng. Tổ chức bộ máy giữa Đảng và chính quyền bị chia cắt lại chồng chéo về nhiệm vụ, rườm rà về thủ tục, đông biên chế, kém hiệu lực là thực trạng đáng suy xét.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng, đoàn Quảng Ninh kiến nghị: “Cần nghiên cứu kỹ, định hướng rõ ràng về cơ chế hoạt động, nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan của Đảng gắn với cơ quan của Nhà nước theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời đảm bảo sự tinh gọn vừa thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và hoạt động của đảng viên, vừa tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, sự đóng góp của Nhân dân”. Đấy là việc đúng, có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc nên làm.
Trong thư gửi cho Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người còn căn dặn: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”.
Lời Bác dặn năm xưa còn nguyên giá trị.
Theo VOV