Về nơi đất Phật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi xuất phát từ Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) lúc 3 giờ sáng vì nghe nói chặng đường từ đây đến Lâm Ti Ni khá xa. Trước khi sang Lâm Ti Ni, chúng tôi được nghe thầy Nhuận Đạt kể về vùng đất thiêng nơi sinh ra Đức Phật. Lâm Ti Ni là vùng đất xanh tươi trải dài dưới rặng Hymalaya hùng vĩ chính là nơi Đức Phật sinh ra vào khoảng năm 563 trước Công nguyên.
 

Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Ti Ni. Ảnh: N.N.P
Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Ti Ni. Ảnh: N.N.P

Chúng tôi đến biên giới Ấn Độ-Nepal lúc gần cuối chiều. Cửa khẩu hai nước là một chiếc cổng chào lớn. Người đi bộ qua lại tấp nập. Căn phòng làm thủ tục hải quan Nepal khá đơn giản: Trong đó kê mấy dãy ghế cho khách còn nhân viên hải quan thì làm việc bên những chiếc bàn gỗ đơn sơ với dàn máy tính cũ kỹ. Chúng tôi nộp mỗi người 20 USD cho visa 15 ngày ở trên đất Nepal. Đây là số tiền tối thiểu vì sang đó một ngày cũng giống 15 ngày. Thủ tục làm visa nhanh chóng và thuận tiện, họ cũng không kiểm tra xe. Chúng tôi ai cũng thở phào nhẹ nhõm nhưng xe chạy được khoảng 200 mét thì một toán cảnh binh Nepal mặc áo rằn ri ngăn lại.

Tôi giật mình khi thấy một chú chó Béc-giê to như con bê thò cái mõm vào cửa xe hít hít. Thì ra đó là chó nghiệp vụ đánh hơi ma túy. Avin nhanh nhẹn nhảy xuống nói với toán cảnh binh giọng líu lo liến thoắng như tiếng chim. Một người đứng tuổi trong nhóm cảnh binh vẫy tay cho đi luôn. Đoạn đường từ biên giới vào Lâm Ti Ni rất xấu. Chạy ngược chiều với xe chúng tôi là những chiếc xe buýt có tiếng còi rất lạ nghe cứ ngân nga như tiếng kèn đồng. Khu vực ở đây còn gọi là Vườn Thiêng vì tập trung có rất nhiều chùa của các nước. Xe rẽ vào con đường nhỏ tới một khu vực xung quanh rào bằng dây thép gai, có cánh cổng khá đơn sơ và chòi gác. Cánh cổng sơn màu trắng đề dòng chữ “Sacred Garden” (Vườn Thiêng).

Hai nhân viên bảo vệ bước ra trao đổi với tài xế và mở thanh chắn Barie cho xe chạy tiếp. Dưới ánh trăng mờ mờ sương, tôi nhận thấy hai bên đường rất nhiều hồ nước và lau lách um tùm nghe có cả tiếng dế kêu rả rích và mơ hồ vọng xa là tiếng chó sói hú gọi đàn nữa giống như trôi giữa một cánh rừng hoang dã nào đó của châu Phi.


Khi chúng tôi đến, chùa đã cử người đón ở cổng và đưa đi nghỉ ở dãy nhà mới xây gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi người ở một phòng có bóng điện chạy bằng ắc quy. Khoảng 4 giờ sáng, tôi được trưởng đoàn đánh thức chuẩn bị đi bộ sang nơi Đức Phật sinh ra cách chùa khoảng một cây số. Trời rét. Trong mờ mờ hơi sương, tôi nhận ra có nhiều đoàn hành hương cũng ra đây vào giờ này. Rất may mắn trước khi sang đây vài ngày thì thầy Huyền Diệu vừa dẫn một đoàn phật tử từ Kathmanđu (thủ đô Nepal) đến đây. Thầy dẫn chúng tôi đi thăm nơi Đức Phật sinh ra.


Ấn tượng nhất với tôi là trụ đá vua A Dục. Vào năm 250 trước Công nguyên, Hoàng đế A Dục (Ashioka) trong chuyến du hành cùng đoàn tùy tùng đến nơi đây và cho dựng một trụ cột để ghi dấu chuyến viếng thăm của mình. Nguyên văn dòng chữ Hoàng đế A Dục viết trên cột đá được dịch ra như sau: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, Quốc vương Asoka đến viếng thăm nơi ra đời của Đức Phật, vị hiền triết người của bộ tộc Thích Ca. Hoàng đế truyền lệnh tạc một pho tượng bằng đá và dựng lên một thanh trụ. Ngài miễn thuế đất ở Lum Bi Ni và giảm thuế hoa màu từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8”.  

 

Thầy Huyền Diệu cùng chim hạc những ngày mới xây chùa ở Lâm Ti Ni. Ảnh: N.N.P
Thầy Huyền Diệu cùng chim hạc những ngày mới xây chùa ở Lâm Ti Ni. Ảnh: N.N.P

Thầy Huyền Diệu hướng dẫn chúng tôi treo tràng hoa nhỏ lên hàng rào sắt trước cột đá thiêng, cúi đầu chắp tay lễ và dẫn đoàn đi 7 vòng xung quanh cột đá. Người đi quanh vật bảy vòng là hình thành tin cậy, tôn kính. Thầy nói: “Phật tử khắp nơi trên thế giới mãi mãi biết ơn trụ đá này. Vì sao ư? Chính là bởi vì từ thế kỷ thứ XIX trở về trước giới khoa học vẫn tin rằng Đức Phật tổ là nhân vật huyền thoại do người đời thêu dệt.

Mãi đến khi khai quật được cột đá này vào năm 1896, nhân loại mới biết rằng Đức Phật là nhân vật lịch sử, là người có thật có sinh, có tử”. Ở thánh địa Lâm Ti Ni có những vườn cây vô ưu hoa nở trắng, những cây bồ đề cổ thụ tỏa bóng, dưới góc cây những bầy sóc nhởn nhơ phơi nắng. Đặc biệt ở đây còn có đền thờ Hoàng hậu Maya được xây dựng khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, bên trong có phiến đá khắc họa sự tích Phật được sinh ra.

Một di tích quan trọng khác còn giữ lại được nơi đây là hồ Pushhkarni hình chữ nhật kè gạch đá nơi hoàng hậu tắm trước khi lâm bồn mà cũng là nơi Hoàng tử Tất Đạt Đa được tắm lần đầu tiên sau khi sinh ra. Không ngờ hơn 20 thế kỷ trôi qua mà hồ nước vẫn trong veo. Ở đây còn có một bức phù điêu kể chuyện hoàng hậu sinh nở.


Việt Nam Phật Quốc Tự ở Nepal rất đẹp. Phía trước chùa là cái ao thơm ngát hương sen có cây cầu cong vắt qua. Đặc biệt chỉ ở chùa Việt Nam mới có những đôi hồng hạc đang đủng đỉnh đi trong sân chùa trầm mặc như các triết gia.

Tên khoa học của loại chim này là Sarus Canare-sếu đầu đỏ. Đây là loại chim cực kỳ quý hiếm đứng thẳng có thể cao khoảng 2 mét nặng khoảng 9 kg nhưng lại vô cùng uyển chuyển. Đây là giống chim cao nhất thế giới và có đặc tính sống riêng rẽ từng cặp. Quả là một hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc và biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống. Thầy Huyền Diệu là người phát hiện ra hồng hạc và nuôi ở ngay trong khuôn viên chùa. Thầy bảo: “Không biết có cơ duyên nào mà ở Lâm Ti Ni có hồng hạc giống như Việt Nam có loại sếu đầu đỏ này nhưng thấp hơn”.

Thông thường hồng hạc ở Việt Nam thường chỉ dừng chân một thời gian vào mùa nước cạn-nhiều nhất là ở Tràm Chim thuộc vùng Đồng Tháp. Kể từ ngày chim hồng hạc xuất hiện ở Lâm Ti Ni, thầy Huyền Diệu phân công người canh giữ và bảo vệ chim. Chim hạc thường xuyên lui tới Việt Nam Phật Quốc Tự và tỏ ra quyến luyến với ngôi chùa này, đặc biệt chúng rất có tình cảm với thầy Huyền Diệu. Hễ có điều gì bị đe dọa, chim hạc lại vội vã bay về chùa Việt Nam cách xa tổ của chúng khoảng gần 2 cây số tìm sự bảo vệ dù giữa đêm khuya.


Buổi chiều hôm đó, chúng tôi nhập vào đoàn phật tử vừa ở bên nước sang được thầy Huyền Diệu dẫn đi tham quan khu vườn thiêng mà mọi người gọi là “Liên hợp quốc Phật giáo”. Bởi ở đây có trên 20 quốc gia dựng chùa. Mỗi ngôi chùa mang một nét kiến trúc đặc trưng của nước đó. Chùa Thái Lan với những mái cong xếp chồng lên nhau. Chùa Campuchia đậm chất kiến trúc Angkor Wat, chùa Nepal bầu bĩnh với con mắt Phật xuyên thấu, chùa Myanmar dát vàng phía dưới hình tròn càng lên cao càng nhọn.

 

Ảnh: N.N.P
Ảnh: N.N.P

Riêng chùa Trung Quốc có tượng Phật lớn đồ sộ nhìn bên ngoài giống như Thiếu Lâm Tự… Thầy Huyền Diệu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Phật giáo thế giới. Không chỉ xây chùa, thầy còn đứng ra quyên tiền để xây cho dân địa phương một chiếc cầu. Bởi mùa mưa lũ dân liều mạng sang sông đi làm ăn thường bị cuốn trôi. Nếu lấy biên giới Ấn Độ-Nepal là mốc thì sang Lâm Ti Ni (Nepal) đi về phía trước 20 km thì đến nơi Phật được sinh ra. Về Ấn Độ đi ngược về sau gần 100 km là Kushinagar nơi Phật nhập cõi Niết bàn.


Đoàn chúng tôi ở Lâm Ti Ni một ngày. Tôi cứ ngỡ như đang sống ở quê nhà khi gặp một họa sĩ từ Cần Thơ tình nguyện sang đây có cái tên “Hai Lúa”. Họa sĩ người gầy, da ngăm đen đã vẽ rất nhiều tranh bột nước đồng quê Việt Nam. Họa sĩ “Hai Lúa” có cuốn sổ tay nhỏ. Khi biết đoàn nhà văn chúng tôi vừa dự Liên hoan thơ quốc tế ở Konlkata (Ấn Độ), ông xin mỗi nhà thơ chép vào cuốn sổ một câu thơ mà mình tâm đắc. Tôi đã chép vào sổ tay của ông hai câu thơ trong bài thơ “Hồn quê”: “Bánh đa cong, mái nhà lá cũng cong/Con đường cát giấc mơ đêm cũng cát”.

Cái tên “Hai Lúa” gợi cho chúng tôi một nét dân quê mộc mạc đậm chất anh hai Nam bộ phóng khoáng của vùng đất sinh ra “đờn ca tài tử”. Họa sĩ tài tử này đã tình nguyện mang sang đất thiêng Lâm Ti Ni và lưu giữ ở đây nơi cội nguồn sinh ra Đức Phật cả hồn quê Việt…

Nguyễn Ngọc Phú

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.