Về làng Kép…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một ngôi mộ chung ở làng Kép (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) ít người biết đến. Nơi đó, trong một trận đánh giữ làng, những người con làng Kép đã ngã xuống… Tri ân những người anh hùng, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah mới đây đã khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Về làng Kép trong một sáng mưa lạnh lẽo. Sương phủ trắng núi đồi, có cảm giác như đi trong mây trắng. Từ xa thấy những tán cổ thụ nổi bật trên nền trời xám ngắt màu chì, chúng tôi đoán ngay đó là khu nhà mồ của làng. Sớm mai, không gian có vẻ xao động hơn bởi người sống cơm nước cho người chết. Một người phụ nữ Jrai gầy guộc bẻ đôi chiếc bánh mì nguội ngắt, một nửa đặt lên miệng ché, nửa còn lại mang về. Vừa làm bà vừa nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ với người nằm sâu dưới ba tấc đất.

 

Khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại làng Kép. Ảnh: H.N
Khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại làng Kép. Ảnh: H.N

Giữa những nhà mồ mái tôn, có một ngôi mộ còn rất mới, được xây cất khang trang khác hẳn những ngôi mộ trong khu nhà mồ, già làng Rơ Châm Ul cho hay, đây là mộ của người có công với cách mạng, mới qua đời. Ở làng, từ những người đã dũng cảm hy sinh từ hai cuộc kháng chiến, đến những người có công giữ làng, khi nhắm mắt xuôi tay đều được chôn ở nơi trang trọng. Tuy nhiên, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người là một ngôi mộ chung khá đặc biệt, nằm ở vị trí đặc biệt trong khu vực nhà mồ của làng. Già Ul giải thích: “Đây là nơi chôn chung những đứa con của làng Kép, đã nằm xuống trong lúc bảo vệ làng, thời kháng chiến chống Mỹ…”.

Ngôi mộ chung đã khá cũ càng. Rêu đã xanh thành thảm dày trên những ô mộ, trên bức tường bao quanh, che khuất cả những cái tên phải nhìn lâu mới thấy: Rơ Châm Dar, Rơ Châm Dao… Già Ul trầm ngâm: “Dar và Dao là hai anh em ruột, hy sinh cùng một ngày. Nhiều trong số những người nằm đây là bạn chiến đấu với mình, người trong làng cả, biết nhau từ nhỏ”.

Nhắc nhớ những người con của làng đã nằm lại trong một trận đánh ác liệt, đôi mắt tinh anh của người cựu binh già như phủ một màn sương mờ: “Thời kỳ chống Mỹ, vùng này đánh nhau ác liệt lắm, hầu như nhà nào cũng có người hy sinh…”. Nhiều người có người thân nằm lại trong ngôi mộ chung này, khi nhắc nhớ về người thân đều chỉ kể về hình ảnh đẹp ngời của người nằm xuống. Đó là hình ảnh những người đàn ông khỏe mạnh, có thể là cha, là chồng, là đứa con yêu dấu của một bà mẹ Jrai nào đó. Tất cả đều dũng cảm trong cuộc chiến giữ làng. Không còn ai nhắc đến sự mất mát. Có lẽ rêu phong đã phủ dày trên những đau thương họ biết rằng khó tránh.

Quá khứ đau thương đã lùi xa. Nhưng giữa ngôi làng bé nhỏ nơi thâm sơn này, lưu dấu một trong những chứng tích lịch sử về cuộc đấu tranh khốc liệt, kiên cường của những người con Jrai dũng cảm trong cuộc chiến đấu giữ nước, giữ làng. Đó là ngôi mộ chung, nơi an nghỉ của gần 30 liệt sĩ, tất cả đều là người Jrai.

Một cán bộ UBND huyện Chư Pah cho biết, ngôi mộ chung này được xây dựng từ năm 1998. Thời điểm xây dựng, do điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn nên chỉ xây được các ô mộ, bia thờ và tường bao xung quanh. Qua thời gian, công trình đã xuống cấp nhiều…

“Sự hy sinh dũng cảm của những người con làng Kép đã ghi tạc vào trang sử hào hùng của địa phương, khẳng định thêm tinh thần Tây Nguyên bất khuất trong kháng chiến. Sự hy sinh này cũng là bài học lớn cho cán bộ, nhân dân các dân tộc thấu hiểu một cách sâu sắc rằng, chỉ có tinh thần yêu nước, yêu tự do thì một dân tộc đất không rộng, người không đông mới luôn chiến thắng kẻ thù hung bạo, cho dù đó là những cường quốc lớn.

 

Khu nhà mồ làng Kép. Ảnh: Hoàng Ngọc
Khu nhà mồ làng Kép. Ảnh: Hoàng Ngọc

Với ý nghĩa đó, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đã quyết tâm xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại làng Kép, bởi đây là biểu tượng anh hùng của một xã anh hùng, là bài học về lòng yêu nước sâu sắc mà các thế hệ cần soi mình, học tập”-ông Lê Đức Tánh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah phát biểu trong ngày khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu vực ngôi mộ chung ở làng Kép.

Nhiều người có mặt không ngăn sự xúc động khi nhắc lại chứng tích của ngôi mộ chung. Xúc động hơn khi nơi yên nghỉ của những người anh hùng đã có một nhà bia tưởng niệm xứng đáng sau gần 40 năm độc lập. Có mặt trong buổi lễ khởi công xây dựng nhà bia, bà Rơ Chăm H’yéo-người có cha và cậu là những liệt sĩ đang yên nghỉ dưới ngôi mộ chung-phải dừng lại nhiều lần để ngăn những giọt nước mắt xúc động khi nói lời tri ân: “Chúng tôi cảm ơn những người đã chăm lo tới mộ phần của người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nhà bia tưởng niệm sẽ là nơi nhắc nhớ con cháu làng Kép và nhiều ngôi làng khác sự hy sinh to lớn của thế cha anh, về tinh thần bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên”.

Già làng Rơ Châm Ul ngồi lặng lẽ từ đầu buổi lễ, ông không có điều gì để nói, chỉ nỗi xúc động dâng lên khiến ông phải nháy mắt liên hồi để che giấu sự xúc động đang dâng trào. Với những người từng cầm súng và đối mặt với cái chết không chỉ một lần như người cựu binh già này, sự tri ân với những đồng đội đã ngã xuống, là niềm an ủi không thể nói bằng lời, chỉ có thể cảm nhận khi nhìn vào đôi mắt lặng im cứ thỉnh thoảng lại mờ đi…

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.