(GLO)- L.T.S: Vừa qua, một số cơ quan báo chí có bài phản ánh về tình trạng vườn tiêu ông Lê Viết Long, ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh bị rụng lá. Dựa trên kết quả kiểm tra thực tế, ngày 23-10, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh có Báo cáo số 32/BC-BVTV về nguyên nhân khiến tiêu rụng lá. Gia Lai online trích đăng báo cáo nói trên.
Căn cứ vào kết quả tại công văn nói trên của Trạm Bảo vệ Thực vật (BVTV) có thể kết luận sơ bộ hiện tượng rụng lá hồ tiêu tại nhà ông Lê Viết Long như sau:
Thuốc trừ bệnh Agrifos 400 và Manozeb 80 WP của 2 công ty có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22-2-2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và được cấp phép đăng ký phòng trừ đúng đối tượng trên cây hồ tiêu.
Các thông tin, nội dung hướng dẫn trên nhãn thuốc được các công ty hướng dẫn đúng theo quy định hiện hành và cũng được đại lý hướng dẫn cho người sử dụng cụ thể rõ ràng. Trong quá trình giải quyết sự việc, lãnh đạo công ty, chi nhánh và các cán bộ kỹ thuật đến phối hợp với tinh thần trách nhiệm và chia sẻ với chủ vườn.
Việc sử dụng 2 loại thuốc Agrifos 400 và Manozeb 80 WP cùng lô mà ông Long sử dụng tại vườn dù phun riêng hay hỗn hợp đúng nồng độ, đúng kỹ thuật theo hướng dẫn trên nhãn thuốc không ảnh hưởng đến rụng lá hồ tiêu. Như vậy hiện tượng rụng lá nói trên là do pha nồng độ cao nhưng sử dụng không đúng kỹ thuật và không phù hợp với lượng nước thuốc đã pha theo quy định kỹ thuật.
Sau thời gian sử dụng thuốc tỷ lệ lá, quả non rụng chỉ 5-7% chủ yếu trên lá bị bệnh đốm lá, thán thư, hiện tượng rụng lá tạm dừng từ ngày 8-10-2012, ổn định và hồi phục từ ngày 12-10-2012. Đến nay không có cây tiêu nào rụng lá và bị chết, ngược lại những cây rụng lá lại hồi phục sinh trưởng và phát triển tốt.
Tuy nhiên trong quá trình sự việc xảy ra một số phóng viên, cộng tác viên đã đưa tin không đúng bản chất, thiếu khách quan, trung thực như “Tiêu chết hàng loạt do thuốc, làm khó nông dân...” làm hoang mang trong nhân dân, các đại lý trên địa bàn huyện, giảm mất uy tín của ông Thái Văn Sơn, của các công ty được đánh giá cao hiện nay về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm đối với cộng đồng. Ngoài ra, các phóng viên không có sự phối hợp về chuyên môn, cách giải quyết... với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn phần nào làm ảnh hưởng đến quy trình chỉ đạo phòng trừ của Trạm BVTV huyện trong thời điểm bệnh thối, gốc thân gia tăng; cũng như việc giải quyết có tình, có lý giữa các bên trên cơ sở khoa học và pháp lý hiện hành.
Các công ty thuốc BVTV có sản phẩm trên địa bàn cần tổ chức hội thảo, tập huấn, thực hiện các mô hình trình diễn sử dụng thuốc của công ty mình đến các hộ nông dân nhiều hơn cũng như các đại lý khi cung ứng cần hướng dẫn, tuyên truyền rõ ràng việc sử dụng thuốc, nông dân khi sử dụng thuốc cũng phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng mà ngành BVTV hướng dẫn.
Chính quyền, các cơ quan chuyên môn các cấp cần tạo điều kiện về kinh phí mở các đợt tập huấn hoặc lồng ghép nội dung về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn trong các buổi tập huấn, hội thảo mà các đơn vị khác có liên quan tổ chức về nội dung này. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả.