Về Ba Tri viếng cụ Đồ Chiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cái nắng buổi sớm miền Tây đầu năm mới không mấy gay gắt, tôi được các bạn đồng nghiệp Báo Bến Tre đưa về Ba Tri thăm Đền thờ cụ Đồ Chiểu. Miền đất phía đông Bến Tre này trở thành nơi dung thân cuối đời của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu suốt gần 28 năm trong khi Gia Định rồi các tỉnh Nam Kỳ và cả nước lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp.

Cụ Đồ cùng gia đình chạy giặc từ Gia Định về Cần Giuộc (quê vợ) và cuối cùng định cư ở Ba Tri. Đây là vùng đất mới nằm sát biển Đông với hai con sông lớn: Ba Lai và Hàm Luông chảy về; vào đầu thế kỷ XIX, nơi này dân cư còn thưa thớt, chủ yếu là dân miền Trung vào khai khẩn làm ăn. Cụ Đồ Chiểu về đây vẫn tiếp tục làm nghề dạy học, bốc thuốc cứu người và sáng tác thơ văn; ông mất tháng 7-1888 và được nhân dân an táng tại làng An Bình Đông, tổng Bảo An nay là xã An Đức, huyện Ba Tri (trước đây còn là đất thuộc Vĩnh Long, sau này mới nhập về Bến Tre). Gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngay trên chính phần đất làm mộ phần cho ông và gia đình, khá quy mô và khang trang.

 

Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: B.Q.V
Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: B.Q.V

Hồi nhỏ, tôi đọc tác phẩm Lục Vân Tiên và yêu mến những nhân vật chính trực vì nghĩa quên thân, thủy chung rất mực như chàng Lục Vân Tiên, nàng Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, chú Tiểu đồng, cô hầu Kim Liên... Đồng thời ghét cay ghét đắng những con người bạc ác như lão Thái sư, Trịnh Hâm, gia đình Võ Công... Dường như quê tôi, những người lớn tuổi đều ít nhiều cũng thuộc đôi đoạn Lục Vân Tiên, mặc dù trong số ấy một số người không biết chữ nhưng họ nghe đâu đó ngâm ngợi rồi nhớ nằm lòng. Bà ngoại tôi không những thuộc cả truyện thơ này mà còn giải thích đầy đủ các điển tích trong truyện một cách rành rọt.

Bà thường hát ngâm với giọng ê a khi ru cháu: “Quán rằng: Ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đắng ghét vào trong tâm/ Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang..../ Thương là thương đức thánh nhân/ Khi nơi Tống Vệ, lúc Trần, lúc Khuông....”.

Lớn lên, tôi mới hiểu rằng, sở dĩ tác phẩm Lục Vân Tiên đi vào lòng người một cách tự nhiên, không ồn ào bởi vì nó thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc; đó là đạo lý, là nhân nghĩa, đồng thời cũng là quan niệm sống của mọi người dân Việt “ở hiền gặp lành/gieo gió giặt bão...”. Bởi vậy, ngay khi mở đầu truyện thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã khuyên: “Hỡi ai lẳng lặng mà nghe/Dữ răn việc trước lành dè thân sau/ Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình...”.

Nguyễn Đình Chiểu không những để lại ấn tượng trong tôi về văn nghiệp của ông mà còn là một chí sĩ yêu nước với tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm. Suốt 40 năm mù lòa gặp bao bất trắc khó khăn nhưng với một tâm hồn trong sáng, một tình yêu quê hương đất nước dâng trào, ông đã nhìn thấu rõ con đường mình phải đi cùng nhân dân lao động để chống lại kẻ thù chung và chống lại cái ác. Tuy mắt bị mù nhưng tư tưởng và tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu tỏa sáng; ông đã vượt lên chính mình, hòa cùng thời đại và dân tộc, trở thành một nhà thơ có tầm vóc lớn, tiêu biểu nhất của bộ phận văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. “Ông là hình ảnh con thuyền chở đạo không bao giờ khẳm, và một nhà thơ lớn đầy khí phách đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”-(nhà thơ Bảo Định Giang).

Đền thờ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bây giờ trở thành một địa chỉ văn hóa của Bến Tre, nơi mà hàng năm có hàng vạn du khách và những người yêu mến cụ Đồ đến thành kính dâng hương. Đi qua cổng chính đến nhà bia rồi chánh điện bề thế của Đền thờ cụ Đồ Chiểu, chúng ta ra phía sau khuôn viên thì gặp phần mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng vợ là bà Lê Thị Điền và người con gái thứ 4 là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (Nguyễn Ngọc Khuê)-nữ chủ bút đầu tiên của báo giới Việt Nam-tờ Nữ giới chung ở Sài Gòn năm 1917. Bà Nguyệt Anh-con gái cụ Đồ cũng trải qua cuộc đời lận đận không kém gì cha mình.

Chồng mất khi bà còn rất trẻ, con gái đầu mới chỉ lên hai nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con, thờ chồng. Khi lên Sài Gòn làm báo bà đã để lại ấn tượng rất sâu trong lòng độc giả nhất là nữ giới. Tờ báo do bà làm chủ bút chỉ tồn tại chưa đầy 2 năm thì bị thực dân Pháp bắt đình bản; tiếp theo đó con gái bà bị bệnh mất, bản thân bà cũng lâm bệnh phải về Ba Tri-Bến Tre nương nhờ anh em để thuốc thang nhưng sau đó mắt bà bị mù. Bà mất năm 1922, khi ấy mới 58 tuổi.

Nhân dân Ba Tri vốn có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và có tinh thần thượng võ; họ mang chút khí khái của người miền Trung quật cường và thấm đẫm chất hào phóng của người miền Tây. Gia đình cụ Đồ Chiểu đã chọn được vùng này làm nơi dung thân và phát huy bản lĩnh, tài năng của mình cùng với đồng bào Nam bộ vùng lên chống giặc giữ nước. Người dân Ba Tri đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện để ngòi bút nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu lao thẳng vào kẻ thù  xâm lược, bọn gian tà, đồng thời ca ngợi cuộc chiến đấu anh dũng của những con người chân chất tay lấm chân bùn của miền đất thành đồng trong những năm đầy máu và nước mắt của giai đoạn đầu kháng Pháp.

Rời Ba Tri, tôi tâm sự với các bạn đồng nghiệp ở Bến Tre: Chúng ta cầm bút hôm nay có điều kiện và thuận lợi hơn các bậc tiền bối ngày xưa nhưng cũng không kém phần khốc liệt, nhất là giữ được tinh thần và bản lĩnh như cụ Đồ Chiểu là một điều không dễ. Câu thơ trưng bày ở chính điện nơi Đền thờ của Cụ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà, luôn luôn nhắc nhở chúng ta, thế hệ hiện tại cần giữ vững tinh thần và ý chí chiến đấu của người cầm bút  để không hổ thẹn với tiền nhân.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.