(GLO)- Nghe có vẻ nghịch lý, song điều đó hoàn toàn có thật. Bởi theo người dân xã Ia Kreng (huyện Chư Pah, Gia Lai), muốn giăng câu hay nuôi được cá lăng ngon phải vào sâu trong rừng Groi Pang.
Theo chân “cần thủ”
Làng Doch 1 được mệnh danh là nơi có nhiều “cần thủ sát cá lăng” nổi tiếng cả vùng, vì có nhiều người đã từng câu được cá lăng nặng vài chục ký. Bỏ lại xe máy ngoài bìa rừng, chúng tôi theo chân các “cần thủ” men theo con đường mòn nhỏ hẹp dài khoảng 5 km với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thung lũng sâu hun hút.
Các hộ tham gia mô hình phấn khởi vì cá lăng phát triển tốt. Ảnh: P.D |
Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ băng rừng, lội qua con suối sâu Ia Jôl, chúng tôi mới tới được một hồ nước rộng mênh mông mà theo người dân trong xã, đây là khúc eo của dòng Sê San. Khúc eo này rộng chừng 1 ha, nước rất êm và trong. Người đồng hành cùng chúng tôi-anh Rơ Châm Tên, cũng là thợ săn cá lăng nổi tiếng làng Doch 1-ghé nhanh vào chiếc chòi nhỏ bên mép sông lấy cuộn dây đay, dây cước, móc câu, sau đó đổ mồi câu (chủ yếu là giun) ra chiếc xô nhỏ rồi cùng chúng tôi xuống thuyền gỗ để sẵn phía dưới và bắt đầu việc giăng câu. Cột một dây đay to bằng đầu ngón chân cái vào gốc cây ở gần mép sông, từ đó anh kéo dây giăng sang tận mép sông bên kia. Anh Tên giải thích, cá lăng rất hung dữ, chúng còn được gọi là thủy quái nên phải dùng dây đay thật chắc và lưỡi câu to mới bắt được. Cứ khoảng 5-7 m, anh Tên lại cột một cục đá to vào dây đay để nó chìm sâu xuống dưới mặt nước và cứ 3-3,5 m anh lại mắc một dây cước dài chừng 1 m đã cài sẵn lưỡi câu lẫn mồi câu. Mỗi chiều, anh thả xuống dòng sông khoảng 15 đoạn dây, mỗi đoạn dài hơn 200 m và thả cách nhau chừng 200 m (tương ứng 1.000 lưỡi câu).
Với kinh nghiệm của mình, anh Tên cho rằng, thời điểm câu được nhiều cá lăng nhất trong năm là từ tháng 6 đến tháng 8. Vì mùa mưa cũng là lúc cá lăng đi kiếm ăn. “Thời gian trước, số lượng người giăng lưới, thả câu và kích điện chưa nhiều nên có ngày mình câu được 6-7 con, mỗi con nặng 5-6 kg, con to nhất mình từng câu được nặng gần 20 kg”-anh Tên cho hay. Nhờ khả năng “sát cá” nên kinh tế gia đình anh Tên cũng khá giả hơn so với một số hộ dân trong làng. Anh Tên nhẩm tính: “Cá lăng tự nhiên hiện có giá 240 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi năm mình kiếm được khoảng vài chục triệu đồng nhờ dòng Sê San”.
Không chỉ săn cá lăng bằng cách giăng câu, nhiều người dân trong làng còn bắt cá bằng chính những chiếc cần câu tự chế từ nguyên liệu sẵn có trong rừng. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Rơ Châm Unh, nếu câu bằng cần thì không vung ra xa được và cũng hiếm khi có cá lăng to. Trưởng thôn Unh bộc bạch: “Cá lăng tự nhiên ngày một ít, có khi thả câu vài ngày không được con nào nên bây giờ người dân chỉ tập trung đi câu vào mùa mưa, còn mùa khô thì đi làm rẫy, làm thuê hết”. Bản thân anh Unh cũng như vài người dân trong làng chỉ tranh thủ giăng câu vào thời gian rảnh rỗi, may mắn thì kiếm được cá lăng, không thì vài con cá mè dinh, cá bống về để cải thiện bữa ăn và cũng để không ... “lụt nghề”.
Nuôi cá kết hợp làm du lịch?
Người dân Ia Kreng luôn tự hào khi nói rằng, cá lăng tự nhiên ở đoạn sông Sê San dưới chân núi Groi Pang ngon nổi tiếng cả vùng vì thịt cá dai và thơm. Mặc dù chưa có sự kiểm chứng rõ ràng song thực tế đã có một thời, cá lăng không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Trước sự khan hiếm của nguồn thủy sản tự nhiên và cũng không muốn bỏ phí khúc sông được thiên nhiên ưu đãi, người dân trong xã đã đề đạt mong muốn lên lãnh đạo các cấp về việc được nuôi cá lồng bè cùng tham vọng tương lai sẽ kết hợp làm du lịch. Và không lâu sau (tháng 5-2018), mô hình nuôi cá lồng trên khu vực lòng hồ đã được triển khai thí điểm với sự tham gia của 30 hộ dân thuộc 2 làng: Doch 1 và Dip. Mô hình do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah làm chủ đầu tư. Ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho biết, 30 hộ tham gia mô hình đa phần là hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ được hỗ trợ 100% từ lồng nuôi (2 khung lồng, mỗi khung lồng 11 ô, rộng 25 m2/ô) đến cá giống (khoảng 29.000 con, trong đó có khoảng 20.000 cá diêu hồng, rô phi; còn lại 9.000 con cá lăng) và nguồn thức ăn (đã hỗ trợ khoảng hơn 7 tấn).
Không muốn lãng phí hồ nước rộng lớn, các hộ dân xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) tham gia nuôi cá lồng bè. Ảnh: P.D |
Vốn chỉ quen với việc trồng trọt và đánh bắt tự nhiên nên nhiều hộ dân khi tham gia mô hình đã tỏ ra nghi ngại: liệu con cá dưới sông có sống được trong lồng bè? Nuôi chung thì phân chia công việc và lợi ích ra sao?... Anh Rơ Châm Hoh-Tổ trưởng mô hình nuôi cá lồng bè ở làng Doch 1-chia sẻ: “Khi tham gia mô hình mới thấy việc nuôi cá còn dễ hơn trồng lúa trên rẫy. Vì vậy, 15 hộ dân đã đồng thuận góp công, góp tiền làm một ngôi nhà sàn nhỏ gần khu vực nuôi cá và cắt cử người luân phiên trực. Mỗi tuần sẽ có 2 người thay phiên trực và nhiệm vụ của người trực là cho cá ăn 2 bữa/ngày, vệ sinh lồng cá cho sạch, canh gác không để những người đi câu hay đi kích điện vào gần khu vực lồng bè”. Sau hơn 1 năm nuôi thí điểm, mới đây, mẻ cá diêu hồng, rô phi đầu tiên đã được thu hoạch và số tiền thu về là 37 triệu đồng. “Chúng tôi chia đều số tiền 25 triệu đồng cho các hộ tham gia, 12 triệu đồng còn lại giữ làm quỹ chung để sau này mua cá giống thả tiếp. Riêng cá lăng hiện tại mỗi con đã đạt hơn 1 kg”-Trưởng thôn Unh-thành viên mô hình-phấn khởi.
Với những gì thiên nhiên ban tặng, có thể tin rằng kế hoạch về việc nuôi trồng thủy sản kết hợp với dịch vụ là có cơ sở. Bởi cảnh sắc nơi đây chẳng khác nào bức tranh sơn thủy hữu tình với một hồ nước trong xanh nằm lọt thỏm giữa những vách núi, thoai thoải bao quanh là những vạt lúa rẫy đang độ chín vàng, những vạt mì xanh ngắt và xa xa là những con suối: Ia Jôl, Ia Krếch, Cầu Vồng nước chảy róc rách đêm ngày...
PHƯƠNG DUNG