Vào rừng gieo lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các khu rừng Tây Nguyên nổi tiếng rất giàu về lan. Tuy nhiên, hiện nay loài hoa này ngày càng suy kiệt. Trăn trở trước tình trạng suy giảm lan rừng, anh Võ Văn Công (40 tuổi, hẻm 466 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku)-một “trùm” chơi lan ở Phố núi đã làm một việc “ngược đời” là săn lùng những quả lan quý trong các khu vườn rồi mang vào các khu rừng để gieo. Việc làm có tính chất “mang củi về rừng” được dân chơi lan cũng như những người công tác trong ngành lâm nghiệp đánh giá cao.

“Trả lại mầm sống cho tự nhiên”

Chuyện anh Võ Văn Công mang lan vào rừng gieo thì chúng tôi đã nghe nhiều năm nay nhưng mãi đến giữa tháng 5 thì mới được tận mắt chứng kiến. Lúc ấy, chúng tôi đến thăm vườn lan nhà anh thì thấy anh cùng nhóm bạn đang tản ra khắp khu vườn lan rộng khoảng 600 m2 với tầm 500 loài lan để tuyển chọn những quả lan quý và già. Tổng cộng có hơn 100 quả lan thuộc các loại mạc lan và thanh ngọc (nhóm địa lan), hoàng thảo đơn cam, long tu, giáng hương, hồng dâu, giáng hương tam bảo sắc (nhóm phong lan) được thu gom.  Hỏi chuyện, anh Công “bật mí” việc thu gom quả lan nhằm mục đích mang vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để gieo. Anh Công gọi việc làm của mình là sự “Trả lại mầm sống cho tự nhiên”. Ngỏ ý muốn đi cùng, anh Công  gật đầu, đồng thời hẹn sáng hôm sau đến nhà anh để bắt đầu chuyến hành trình.

 

Nhóm bạn anh Công vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gieo lan. Ảnh: N.T
Nhóm bạn anh Công vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gieo lan. Ảnh: N.T

Như lời hẹn, nhóm bạn anh Công  9 người chạy xe máy vượt khoảng 60 km từ Pleiku về trụ sở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đến cửa rừng, nhóm bị cán bộ kiểm lâm đón lõng và hỏi mục đích vào rừng. Anh Công cho biết ý định vào rừng để gieo lan. Sau một hồi xác minh thông tin, các cán bộ kiểm lâm đồng ý cho đi. Cả nhóm di chuyển đến tiểu khu 433. Anh Công ra hiệu dừng xe để bàn bạc. “Vùng này rừng còn nguyên sinh, chưa bị tác động. Gieo lan sẽ dễ mọc hơn”-anh Công kết luận.

Theo hướng dẫn của anh Công, cả nhóm men theo con đường nhỏ dẫn lên ngọn thác cao vút nằm trên đỉnh núi. Đi khoảng 2 km, nhóm đến một cánh rừng với thảm thực vật dày cùng nhiều cây gỗ mục bắc ngang. Nhận thấy khu vực này có độ ẩm và ánh sáng phù hợp với nhóm địa lan, anh Công ra hiệu cho mọi người mang các loại lan thuộc nhóm địa lan ra gieo. Hàng triệu hạt lan màu trắng nằm trong từng quả lan được “giải thoát”  bay ra ngoài bám vào các thân cây, lớp thảm mục. Hết khu rừng này đến khu rừng khác, hàng chục quả lan được nhóm gieo cấy vào rừng.

Nhóm tiếp tục băng cắt sang cánh rừng già khác để tìm chỗ gieo hạt cho các loại phong lan. Trên đường đi, chúng tôi chỉ cho anh Công những vạt rừng cây nhỏ, ẩm thấp nhưng anh đều lắc đầu không chọn vì ít ánh sáng. Khi đi qua vạt rừng cạnh con suối với điểm nhấn là dày đặc những cây gỗ dẻ lớn nhỏ khác nhau, anh Công ra hiệu cho cả nhóm dừng lại rồi cùng với anh Trần Đức-một thành viên trong nhóm nhỏ to bàn bạc. Cuối cùng, anh quyết định gieo hạt ở đây. “Vạt rừng này mình gọi là bán thường xanh. Nghĩa là rụng lá một mùa nên nhiều ánh sáng. Phong lan cần nhiều ánh sáng. Chỗ này lại ít tác động nên rất phù hợp trồng”-anh Công giải thích.

Nói rồi, anh Công lấy các quả phong lan còn lại rồi tiếp tục phân chia cho các thành viên. Nhóm tản ra trong vòng bán kính 2 km rồi xẻ từng quả cho hạt lan bay ra bám vào các thân, cành cây. Sau 4 giờ lội rừng, công việc đã hoàn tất. Trước khi rời khỏi rừng, anh Công và anh Trần Đức cẩn thận đánh dấu các vị trí đã gieo lan. “Lan từ lúc gieo đến lên cây thì mất vài năm. Việc đánh dấu nhằm giúp nhớ vị trí để sau này mình xuống kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả của việc gieo quả”-anh Công giải thích.

“Góp phần làm đa dạng vườn sinh học”

Anh Công cho biết:  Trong quá trình chăm lan, anh hay thụ phấn các loại lan rồi lấy quả lan tự trồng trong vườn. Kết quả, sau một thời gian, hạt lan nảy mầm rồi phát triển bình thường, góp phần làm phong phú vườn lan. Năm 2014, anh Công thấy phong trào chơi lan bùng phát mạnh mẽ. Nhiều người đổ xô vào rừng thu gom lan về bán, cộng với việc rừng càng suy giảm nên lan rừng ngày càng cạn kiệt. “Mình sợ với cái đà khai thác lan ồ ạt sẽ khiến lan tuyệt chủng. Mình muốn làm gì đó để bảo tồn lan. Mình nghĩ hạt lan trồng trong vườn với điều kiện thiếu thốn còn phát triển được huống hồ gì là đưa về rừng trồng thì sẽ lên tốt hơn. Nghĩ thế nên mình quyết định gom quả lan để mang vào rừng gieo”-anh Công hồi tưởng.

Tháng 3-2014, anh Công lên kế hoạch thực hiện chuyến “Trả lại mầm sống cho tự nhiên” đầu tiên. “Trước khi đi, tôi ra vườn cắt khoảng 50 quả lan với dòng lan chính là kiếm và hoàng thảo. Chúng tôi chạy xe máy lên khu rừng xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và tuyển chọn những vạt rừng có điều kiện phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loại lan rồi tiến hành gieo. Lần thứ 2 diễn ra vào tầm cuối tháng 4 năm nay với địa điểm được chọn là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Lần này, tôi chọn 60 quả lan thuộc các loại giáng hương, kiếm, hoàng thảo… Lần thứ 3 diễn ra vào giữa tháng 5 này. Những lần đi, tôi đều rủ bạn đi cùng để chứng kiến. Sau đó chụp ảnh làm tư liệu”-anh Công nói.

Anh Công cho biết,  anh có kinh nghiệm 20 năm chơi lan. Anh biết rõ đặc tính cũng như môi trường sống thích hợp của từng loại lan. Vì thế khi mang lan về rừng gieo, ngoài việc chọn những khu rừng ít bị tác động của con người, anh đều chọn những khoảnh rừng nào có các điều kiện như ánh sáng, môi trường, khí hậu… phù hợp với loại lan định trồng.

Ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Giữa anh Công và các phòng nghiệp vụ của vườn hay hợp tác để cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn lan. Về việc anh Công 2 lần đưa lan về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gieo, ông Hoan nhấn mạnh: “Những lần đó anh Công đều xin phép tôi. Những loại lan anh Công mang gieo đều có nguồn gốc bản địa. Việc gieo lan trong rừng nhằm làm phong phú, đa dạng vườn sinh học của vườn. Tôi đánh giá cao và ghi nhận tinh thần của anh Công”.

Như Thảo

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.