Mức khoán… cao
Tập thể công nhân viên chức Đội 8 cho rằng, phương án khoán mới lần 2, Công ty chỉ thông qua Hội nghị cán bộ chủ chốt mà không thông qua thảo luận với người lao động nên mức khoán lần 2 chẳng khác gì mức khoán lần 1. Như lãi vay vốn đầu tư phương án khoán là tỷ trọng của Công ty có năm lên đến trên 12 triệu đồng, trong khi phần đầu tư trên lô là 100% của người lao động. Còn tiền thuê đất người lao động phải trả gần 560.000 đồng/ha/năm, trong khi công nhân của các doanh nghiệp khác cùng trên địa bàn như Công ty Cà phê Ia Sao 1, Ia Sao 2 chỉ phải trả từ 225.000 đồng đến 300.000 đồng/ha/năm.
Công nhân Đội 8 kiến nghị với Đoàn cán bộ của tỉnh. Ảnh: Đinh Yến |
Với cách lập phương án khoán lần 2 của Công ty kiểu như vậy, nên kéo theo mức khoán cho công nhân, đặc biệt là công nhân Đội 8 vùng quy hoạch tưới bơm điện là 4,39 tấn cà phê quả tươi/ha, giảm khoán so với lần 1 chỉ được 97 kg cà phê tươi. Trong khi đó so sánh các công ty khác trên cùng địa bàn, cùng thời gian năm kinh doanh vườn cà phê như nhau nhưng mức khoán của các công ty này cho công nhân chỉ từ 2,9 tấn đến gần 3 tấn cà phê quả tươi/ha (mức khoán tính từ năm 2011-2015).
Khoán như vậy vẫn lỗ?
Trước bức xúc và những kiến nghị của công nhân Đội 8, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương gặp gỡ đối thoại trực tiếp với công nhân Đội 8. Ngày 9-11, ông Nguyễn Văn Nông- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã cùng các sở, ban ngành liên quan có buổi đối thoại trực tiếp với công nhân Đội 8. Ông Võ Ngọc Hiếu- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê tỉnh là đơn vị tiếp nhận nguyên trạng của Công ty Cà phê Chư Pah cũ, cho rằng: Phương án khoán của Công ty là dựa trên chi phí thực tế và chi theo đúng quy định của Nhà nước. Hơn nữa, phương án khoán mới này đã được các sở, ban ngành thẩm định, UBND tỉnh cũng đã xem xét và ký phương án khoán.
Ngày 2-10, Công ty bắt đầu triển khai phương án khoán đến toàn thể công nhân và đến hết ngày 27-10. Quá thời hạn trên, công nhân không chấp nhận ký khoán buộc Công ty phải thu hồi lô. Vì thế, sự việc quá thời hạn nhận khoán công nhân Đội 8 không chấp nhận ký khoán thì đến ngày 4-11 Công ty đã có quyết định thu hồi lô của 3 công nhân: Đoàn Đức Lý, Ngô Văn Quyết và Phạm Văn Vị. Đồng thời, Công ty ra lệnh “cấm đồng” không cho công nhân Đội 8 vào làm việc trong lô cà phê. Công ty đã làm đúng theo quy định của Luật Lao động.
Hơn nữa, ông Hiếu cũng phân tích trong buổi đối thoại là với mức khoán như vậy, Công ty vẫn tiếp tục lỗ. Cụ thể, năm 2011 sẽ lỗ khoảng 5 tỷ đồng, 2012 lỗ còn 4,5 tỷ đồng, 2013 lỗ khoảng 3,3 tỷ đồng, 2014 lỗ còn khoảng 500 triệu đồng. Nếu tiếp tục giảm mức khoán xuống thì Công ty tiếp tục lỗ nhiều hơn. Trong khi, Công ty còn tiếp tục phải thực hiện nhiều vấn đề khác, như: Đo đạc lại toàn bộ diện tích vườn cây của Công ty Cà phê Chư Pah cũ; sửa sang lại toàn bộ các công trình để phục vụ sản xuất…
Trong khi tất cả các nguồn vốn của Công ty đều phải vay ngân hàng. Vì vậy, Công ty sẽ không thể tiếp tục giảm mức khoán xuống được nữa. Nếu công nhân Đội 8 tiếp tục không ký nhận khoán buộc Công ty phải có những hình thức khác, như: Đấu thầu nhận khoán hoặc Công ty sẽ kiến nghị với UBND tỉnh bán vườn lại cho các cá nhân, không thể để tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất của Công ty.
Công nhân mong giảm khoán xuống dưới 4 tấn/ha
Tại buổi đối thoại công nhân ngày 9-10, công nhân Nguyễn Văn Bốn-Đội 8, mong muốn: Công ty khoán cho công nhân Đội 8 vùng quy hoạch tưới bơm điện là 4,39 tấn quả tươi/ha, đề nghị Công ty giảm mức khoán xuống còn 3,8 tấn đến 4 tấn quả tươi/ha. Công nhân Đoàn Đức Lý, Đội 8, buồn rầu nói: “Chúng tôi gắn bó với vườn cây từ ngày khai hoang, lật đất. 15 năm rồi, cuộc sống của chúng tôi vẫn chưa được khá giả gì mà Công ty khoán như vậy khác gì cắt con đường sống của chúng tôi.
Ông Nguyễn Hữu Thắng- công nhân Đội 8, kiến nghị: Nên chăng Công ty đổi lại hình thức khoán thẳng. Nếu 1 ha, Công ty đầu tư 100% vật tư phân bón, công nhân bỏ công, trung bình một tháng theo cách tính của Công ty là trả lương 4,3 triệu đồng/người/tháng cuối vụ công nhân phải nộp sản phẩm cho Công ty 14 tấn quả tươi/ha. Công nhân sẽ chấp nhận phương án khoán thẳng này. Tuy nhiên, nếu vườn cà phê nào không đạt năng suất như Công ty giao sản thì Công ty không nên ghi nợ cho công nhân.