(GLO)_ Huyện Ia Pa được thành lập đầu năm 2003. Tuy nhiên sau 11 năm thành lập đến nay đời sống kinh tế-xã hội và mật độ dân cư trên vùng trung tâm huyện tăng không đáng kể. Hàng năm nguồn thu trên địa bàn trên dưới 8 tỷ đồng nhưng quỹ lương ngân sách phải chi trả cho công tác quản lý nhà nước trên 32 tỷ đồng.
Quỹ lương gấp nhiều lần thu ngân sách
Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa Hoàng Văn Tư cho biết: Ia Pa là huyện thuần nông có 9 xã với dân số khoảng 50 ngàn người. Đặc biệt, tại địa bàn 2 xã Ia Ma Rơn và Kim Tân có khoảng 598 hộ (kể cả đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó khu trung tâm hành chính huyện nằm một phần trên diện tích của 2 xã này. Qua 11 năm xây dựng và phát triển, đến nay khu trung tâm hành chính huyện cũng chỉ có 44 hộ gia đình đang sinh sống. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức sau một ngày làm việc gần như đều trở về Ayun Pa hoặc Phú Thiện. Trong khi đó, diện tích quy hoạch khu dân cư dù đã được cấp bán nhưng chỉ là bãi đất trống.
Trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Theo ông Rah Lan Sai-Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, toàn huyện có 150 cán bộ, công chức cấp huyện và 195 cán bộ, công chức cấp xã (chưa kể số người làm công tác bán chuyên trách). Tương ứng với số cán bộ, công chức nói trên thì ngân sách hàng năm phải cấp để chi trả lương cho cấp huyện là 18 tỷ đồng và cấp xã là 14 tỷ đồng. Như vậy, tổng quỹ lương hàng năm ngân sách phải cấp 32 tỷ đồng (nếu tính cả đối tượng bán chuyên trách thì ngân sách hàng năm phải cấp thêm 8,5 tỷ đồng). Số tiền này nhiều gần gấp 4 lần tổng thu ngân sách toàn huyện trong năm 2014 (toàn huyện thu được 8,54 tỷ đồng-N.V).
Nhiều bất cập
Nhiều người cho rằng huyện Ia Pa được quy hoạch trên một vùng đất chưa hợp lý về nhiều mặt. Đầu tiên, khu trung tâm hành chính huyện là điểm nối giữa đường Đông Trường Sơn và tỉnh lộ 662A nhưng lại quy hoạch trên một quả đồi với hình thái thành lập khu hành chính trước, dân cư đến sau. Đây là cách quy hoạch cưỡng bức trái quy luật phát triển cho một đô thị. Hơn nữa, một cán bộ cho biết, khi làm thủ tục tách huyện, để đảm bảo yêu cầu tiêu chí phải “đôn” số dân trên địa bàn lên 45 ngàn dân!
Ngay sau khi thành lập huyện, một vấn đề được cho là nan giải là nước sinh hoạt. Nhiều năm liền, người dân khu vực trung tâm huyện dùng toàn nước bình mà không thể tìm đâu ra nguồn nước sạch cung cấp sinh hoạt. Song, sau một thời gian ì ạch xây dựng nhà máy nước thì mới vỡ lẽ nước không phải là lý do chính đáng. “Hiện nhà máy nước đủ sức cung cấp cho cả khu hành chính và cụm dân cư nếu có. Nhà máy hiện tại vẫn chưa hoạt động hết công suất, nếu có nhu cầu vẫn cung cấp đủ nhưng có điều là ai dùng, dùng vào việc gì”-Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa khẳng định. Theo ông Tư, cái khó là huyện vốn nghèo, thu hút đầu tư không có, địa bàn trung tâm quá ít dân nên đầu tư mở rộng càng khó. Nếu di dời thì phải đầu tư mới và bỏ cơ sở hạ tầng hiện tại. Ý nghĩ này thực ra đã có với một số cán bộ tâm huyết nhưng tiền ở đâu ra và cũng sẽ lãng phí với những công trình hiện hữu.
Một vấn đề thực tế nữa là ngay sau khi thành lập huyện Ia Pa thì ồ ạt một số doanh nghiệp xây dựng ra đời trên địa bàn với mục tiêu ưu tiên tham gia đấu thầu các công trình công cộng, công ích có vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo cách nói của ông Rah Lan Sai và một số chuyên viên Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện thì sau một thời gian khai sinh, các doanh nghiệp này đã ngắc ngoải không thể sống nổi. 24 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn bây giờ gần như “hữu danh vô thực”. Ngoài các doanh nghiệp xây dựng như đã đề cập, ngay tại trung tâm hành chính đến nay chỉ có 4 quán kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ mà phần lớn là phục vụ cán bộ, công chức đăng ký cơm tháng khi ở lại trưa những ngày làm việc! Tại khu trung tâm hành chính huyện mật độ dân số quá ít nên cũng… không có chợ. Người dân sống ở đây phải đi chợ “di động” hoặc ra tận Ayun Pa, Phú Thiện để mua.
Lê Văn Nhung