Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về việc phân bổ kinh phí cho hai chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Hai chương trình mục tiêu quốc gia là ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng kinh phí bố trí cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2013 là 248,3 tỷ đồng; chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là 131 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với năm 2012.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Ngân sách dành cho hai chương trình thấp nhưng việc bố trí vốn chưa trọng tâm, còn dàn trải. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm cần lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư và trước mắt cần xây dựng mô hình thí điểm để triển khai nhân rộng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Tôi tán thành quan điểm chúng ta đầu tư để xây dựng những mô hình thí điểm, kiểm soát khắc phục nguồn xả thải, chuyển đổi nghề, đưa khoa học công nghệ vào gắn với tuyên truyền giáo dục, tạo ra ý thức”.
Về phương án phân bổ cụ thể đối với chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, dự án xây dựng và nâng cấp đê biển tỉnh Cà Mau có tổng mức đầu tư 922 tỷ đồng, song Chính phủ dự kiến bố trí 30,8 tỉ đồng, chỉ bằng 3,3% tổng mức đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với tổng mức đầu tư của dự án lớn, số kinh phí dành cho dự án quá thấp là không phù hợp với nguyên tắc phải cân đối đủ nguồn lực trước khi bố trí vốn.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án, căn cứ vào mức kinh phí để ưu tiên cho dự án quan trọng, cấp bách nhất đã được Thủ tướng phê duyệt và phải là mô hình thí điểm để nhân rộng.
Trong trường hợp chưa rà soát, lập phương án bố trí cho công trình, dự án cụ thể thì chưa thực hiện phân bổ số kinh phí này.
Cũng trong sáng nay, các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hòa giải cơ sở cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Theo VOV