(GLO)- Nhằm tuyển chọn những sinh viên Việt Nam và học sinh lớp cuối của bậc THPT đi học tại các trường đại học Nga theo chương trình đào tạo chuyên gia về năng lượng hạt nhân; ngày 26 và 27-4-2013, Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại Việt Nam phối hợp với Tập đoàn quốc gia Nga “Rosatom” tổ chức đợt thi Olympic quốc tế môn Vật lý mang tên “Giáo dục về hạt nhân tại Nga”.
Đối tượng tham gia cuộc thi là các học sinh THPT cuối cấp, là công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có đam mê và quan tâm đến khả năng dự khóa đào tạo tại các trường đại học Nga theo chương trình chuyên ngành 141.403 "Nhà máy điện hạt nhân: thiết kế, vận hành và bảo trì kỹ thuật".
Đối tượng tham gia cuộc thi là các học sinh cuối cấp THPT trên cả nước. Ảnh: Đại Thắng |
Olympic quốc tế môn Vật lý mang tên “Giáo dục về hạt nhân tại Nga” sẽ được tổ chức theo chế độ online trên cơ sở nguồn dữ liệu thông tin www.globalatom.ru bằng tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Việt,
Lễ trao phần thưởng tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, vào đầu tháng 5-2013. Những người chiến thắng trong cuộc thi sẽ có cơ hội được đào tạo theo chương trình chuyên ngành này với điều kiện nộp đủ tất cả các giấy tờ cần thiết tại Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam.
Theo ông Sergey Kirienko-Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom thì hiện nay tại Liên bang Nga đã tạo lập đầy đủ mọi cơ hội dành để tiếp nhận học vấn đào tạo chất lượng cao về chuyên ngành Vật lý hạt nhân. Ở Nga tập hợp đông đảo sinh viên đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Bangladesh, Jordan và nhiều nước khác khắp thế giới, nơi mà những năm tới đây sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo thiết kế của Nga.
Ông Sergey Kirienko nhấn mạnh, hệ thống đào tạo chuyên môn hạt nhân cho sinh viên nước ngoài tại Nga được hình thành với sự hỗ trợ có phương pháp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA. Dưới sự bảo trợ của tổ chức chuyên trách đáng kính này, tại thành phố Obninsk thuộc vùng Kaluga đã thành lập Trung tâm Quốc tế đào tạo chuyên gia cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia, bao gồm cả các chuyên viên điều hành khai thác nhà máy điện hạt nhân. Cơ sở đại học hạt nhân hàng đầu của nước Nga là Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân MIFI (NRNU MIFI) hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA trong việc hoạch định đường lối đào tạo dành cho chương trình cao học.
Sắp tới đây, các sinh viên của NRNU MIFI sẽ được tiếp cận nền tảng giáo dục mạng của IAEA, bao gồm các khóa học trên Internet và khả năng tiến hành công việc trong phòng thí nghiệm.
Đại Thắng