(GLO)- L.T.S: Những năm qua, tuổi trẻ Gia Lai đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhân Đại hội đại biểu lần thứ XIII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai, P.V Gia Lai online có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND xung quanh nội dung này.
- P.V: Trong nhiệm kỳ qua, đoàn viên thanh niên Gia Lai có sự đóng góp như thế nào cho cho sự phát triển của tỉnh, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thu: Thanh niên Gia Lai chiếm 22,8% dân số toàn tỉnh và đây là lực lượng lao động đông đảo, xung kích trên mọi lĩnh vực. Các hoạt động của tuổi trẻ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, thanh niên tích cực đảm nhận nhiều công trình, phần việc mang lại hiệu quả thiết thực, được đánh giá cao như: dự án phát triển kinh tế-xã hội tại xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ), dự án phát triển kinh tế-xã hội ở xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro), công trình đường giao thông vào làng B-xã Gào (TP. Pleiku), công trình trường mẫu giáo tại huyện Chư Pah…
Với sự năng động của tuổi trẻ, ĐVTN đã tổ chức nhiều phong trào có ý nghĩa và đạt kết quả tốt, tiêu biểu như: phong trào “Sáng tạo trẻ” đã đóng góp nhiều sáng kiến trên các lĩnh vực, làm lợi cho Nhà nước, các doanh nghiệp và cho nông dân hàng chục tỷ đồng. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng mô hình kinh tế trong thanh niên, các hoạt động tham gia xây dựng văn minh đô thị, bảo vệ môi trường… phát huy hiệu quả khi xuất hiện ngày càng nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho thanh niên, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn.
Tuổi trẻ Gia Lai cứu trợ nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão lụt. Ảnh: H.Đ.T |
Về lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý thức của tuổi trẻ trong nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, chính sách dân tộc, tôn giáo… Nhiều hoạt động thiết thực, giúp ĐVTN nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo quốc phòng-an ninh và gìn giữ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh như: Hội trại “Tuổi trẻ giữ nước”, “Hội trại tuổi 17”, tổ chức cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; xây tặng “Nhà nhân ái”, tặng quà, giúp đỡ để nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới và chiến sĩ các Đồn biên phòng… Đặc biệt, với cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa”, tuổi trẻ tỉnh ta đã góp tiếng nói mạnh mẽ cùng tuổi trẻ cả nước khẳng chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- P.V: Thưa ông, việc tập hợp, thu hút ĐVTN cần được chú trọng ra sao để phát huy sức trẻ của họ?
Ông Phạm Đình Thu: Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, cần được quan tâm đặc biệt. Để tập hợp, thu hút ĐVTN, Đoàn phải tổ chức tốt các hoạt động để thu hút thanh niên vào tổ chức, giúp các bạn trẻ phát huy được khả năng, sức sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm sống cần thiết để có thể tham gia một cách tích cực, chủ động vào mọi hoạt động của đời sống xã hội. Đoàn-Hội các cấp phải thực sự là chỗ dựa vững chắc, là tổ chức đồng hành cùng thanh niên trong học tập, lao động sáng tạo, lập thân lập nghiệp, nâng cao thể chất và đời sống văn hóa tinh thần cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, phải thực hiện tốt hơn nữa công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS), thanh niên có đạo để công tác tập hợp thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực tế cho thấy, một bộ phận thanh niên chưa gắn bó với tổ chức và các hoạt động của Đoàn thanh niên. Không phải vì họ không muốn phấn đấu tiến bộ mà do nội dung, hình thức hoạt động và phương thức thu hút, tập hợp thanh niên hiện nay của tổ chức đoàn chậm đổi mới. Chúng ta thường nói “Cán bộ nào phong trào ấy”, không ít cấp bộ đoàn và đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên chưa bám sát tình hình, điều kiện cụ thể của từng nơi để tổ chức những hoạt động phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng, lợi ích chính đáng của thanh niên, tạo sự say mê và thu hút họ vào tổ chức Đoàn. Do đó, cần nhanh chóng đổi mới hoạt động dành cho thanh thiếu niên, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ; kiên quyết khắc phục bệnh hình thức, áp đặt.
- P.V: Theo ông, lãnh đạo các cấp bộ Đoàn nhiệm kỳ tới phải có những hành động gì để đáp ứng nguyện vọng của ĐVTN?
Ông Phạm Đình Thu: Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của ĐVTN, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ. Trước hết, xây dựng Đoàn-Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng của tổ chức Đoàn ở cơ sở để đây thực sự là nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên. Đồng thời phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động của cán bộ đoàn các cấp. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, quan tâm đến thanh niên vùng sâu, vùng xa, thanh niên dân tộc thiểu số; tạo ra nhiều mô hình kinh tế và sân chơi phù hợp với thanh niên.
Bên cạnh đó, Đoàn cần tổ chức tốt các phong trào thi đua, học tập; động viên, hỗ trợ thanh niên nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học công nghệ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong thời kỳ mới-thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi tạo nguồn cán bộ phải quan tâm đến tầm vĩ mô toàn tỉnh, vừa chú trọng đến cấp cơ sở phường, xã. Thực tế cho thấy, số thanh niên được đào tạo bài bản, khi bố trí sử dụng đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng mang lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực.
- P.V: Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta có những hỗ trợ gì đối với thanh niên để họ có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thu: Cấp ủy và chính quyền các cấp đã tin tưởng, coi lực lượng trẻ là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giao cho ĐVTN nhiều phần việc cụ thể trong 19 tiêu chí xây dựng NTM tại địa phương như: làm đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch, cầu dân sinh, cầu nông thôn, xây dựng kênh mương thủy lợi… Nhiều ĐVTN là thành viên của Ban quản lý chương trình xây dựng NTM cấp xã. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn vay cho ĐVTN tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó đã khơi dậy sức trẻ, phát huy tiềm năng to lớn của tuổi trẻ toàn tỉnh trong xây dựng NTM.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Ngọc (thực hiện)
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt