'Trường Sa là cả thanh xuân của mình đó', trung sĩ Huỳnh Thanh Hoàng (21 tuổi, đến từ Q.2, TP.HCM), nhân viên rađa đảo Sơn Ca, mỉm cười.
|
Chiến sĩ Trần Quốc Lập (24 tuổi, huyện Cần Giờ, đóng quân trên đảo Song Tử Tây) vui đùa với con của người dân trên đảo - Ảnh: MY LĂNG |
Anh chàng hào hứng chia sẻ: "Mình tự hào vì được ra Trường Sa. Cả ngàn người nhập ngũ mà có bao người được đi Trường Sa đâu. Sau này có con, mình sẽ kể con nghe chuyện hồi ba nó ra Trường Sa".
Trường Sa là cả thanh xuân
Ngoài đảo, sinh hoạt thiếu thốn không như trong bờ, không phải cứ thiếu là mua được. Ở đây nước ngọt rất hiếm, mưa mới có nước ngọt xài. Bình thường bộ đội tắm nước lợ múc từ giếng lên rồi tráng ít nước ngọt cho người đỡ nhớt.
Thanh Hoàng kể: "Ngoài đảo tắm vui lắm, không như trong đất liền có phòng tắm. Ở đây tắm tập thể, chỗ nào tắm cũng được.
Mùa mưa còn đỡ. Vô mùa khô tắm chỉ xối nước sơ chảy mồ hôi đi. Khan hiếm nước ngọt nên mỗi lần đảo có mưa là chiến sĩ vui lắm. Tụi mình chạy ra tắm mưa, hăm hở lấy ống tích trữ nước".
Chàng chiến sĩ trẻ tự tin: "Ban đầu nghĩ ra Trường Sa là chấp nhận vất vả. Tới giờ mình thấy bình thường, có thấy vất vả gì đâu. Ở với nhau một năm trời ngoài này, tụi mình như một gia đình. Chuyện gì của mình anh em cũng biết. Chuyện gì của anh em mình cũng biết", Hoàng nói.
Nhắc đến chuyện một ngày rời đảo về đất liền, Thanh Hoàng nói: "Nếu mà về mình sẽ nhớ cột mốc chủ quyền lắm. Đêm nào cũng ngồi gác ở đó. Lần đầu tiên gác bên cột mốc tự hào lắm. Ước gì ba mẹ cũng thấy". Anh chàng khoe, tự hào nhất là được đứng gác bên cột mốc ngay lúc giao thừa năm 2019.
"Chiến sĩ đêm nào cũng đi gác. Ở nhà có bao giờ ngắm sao, ngắm trăng đâu. Ở đây trời tối có sao rất đẹp, đêm trăng lãng mạn vô cùng. Vừa ngó lên trời ngắm trăng vừa nhớ nhà", binh nhất Huỳnh Thế Kỷ, 25 tuổi, người huyện Cần Giờ (TP.HCM), đóng quân trên đảo Song Tử Tây, trải lòng.
Hồi mới ra, Kỷ không quen với thời tiết thất thường, khắc nghiệt của Trường Sa nên người lúc nào cũng thấy khó chịu, mệt mỏi.
"Ở đây chỉ có nắng và gió, phơi mặt đi suốt ngày nên lính đảo ai cũng đen thui. Tháng 7 ra thao trường huấn luyện không một bóng cây, có người bị say nắng. Những ngày không có gió, học rất cực. Cát nóng rát da mà tụi mình phải lăn lê bò toài. Lớp thì nắng, lớp thì mồ hôi ra chảy xót mắt. Cực nhưng ai cũng ráng. Ra ngoài này phải xứng đáng là lính đảo Trường Sa", Kỷ cho hay.
Sau 3 tháng ra đảo, các chiến sĩ sẽ được học bắn súng chuyên ngành. Mỗi lần học chiến sĩ phải mang súng từ dưới hầm lên, vác ra thao trường rất vất vả.
Kỷ kể: "Hồi mới đầu học khó lắm, lúng túng hoài. Đêm mình cầm súng ra, tự ôn bài. Mình cứ tháo lắp các bộ phận ra rồi sau đó cố gắng ráp lại. Cứ tháo - ráp cho đến hồi thuần thục, nhắm mắt cũng làm được luôn".
Kỷ nói: "Ngoài này nhiều việc lắm. Loay hoay là hết ngày. Ra đây được cầm súng đi gác tự hào lắm".
|
Binh nhất Huỳnh Khánh An (thứ hai từ trái qua, hàng đầu) tự hào về tuổi trẻ của mình ở Trường Sa - Ảnh: MY LĂNG |
Sau này có cái để tự hào
Rồi Kỷ kể về những công việc bình dị nhất của người chiến sĩ trên đảo. Chuyện tăng gia trồng trọt, nuôi gà. Rồi chuyện hằng tháng mỗi chiến sĩ trồng 1-2 cây cho đảo thêm màu xanh.
Hay chuyện trồng rau gian nan ngoài đảo. Đảo chỉ có cát san hô chứ không có đất. Đất phải đưa từ trong đất liền ra. Có được một cây rau để ăn rất kỳ công.
"Ngoài đảo hơi muối biển vào, cây thấm sẽ chết, mình phải lấy lưới che hơi muối biển lại - Kỷ cho hay - Rau ngoài này phát triển chậm vì không có nước tưới, không có chất dinh dưỡng".
Anh chàng khẳng định: "Ngoài này huấn luyện vất vả thật đấy, nhưng chính tình đồng đội và nghị lực đã giúp mình vượt qua". Khá bất ngờ khi biết Kỷ là giáo viên Trường THCS Gioi Lầu (huyện Cần Giờ).
Anh chàng cưới vợ hơn 2 tuần thì nhận giấy nhập ngũ rồi đi luôn tới giờ. "Mình tự hào vì thanh xuân mình đã được ra đến đây. Nếu cho mình ở lại cống hiến thêm 2 năm nữa mình vẫn sẵn sàng".
Trên đảo Song Tử Tây có 5 chiến sĩ cùng đến từ TP.HCM. "Mình tình nguyện đi nghĩa vụ năm nay. Sau đó nghe nói hải quân sẽ được đi đảo nên từ tân binh mình đã đăng ký nguyện vọng đi Trường Sa", binh nhất Huỳnh Khánh An (19 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho hay. An mới lên đảo Song Tử Tây cuối tháng 12-2019.
Anh chàng chia sẻ: "Mình biết ra Trường Sa sẽ cực nhưng chấp nhận. Cực cho biết, còn trẻ mà. Đi để trải nghiệm và cống hiến cho Tổ quốc. Sau này có cái để tự hào khi một phần tuổi trẻ của mình đã ở Trường Sa".
Còn binh nhất Nguyễn Văn Tuấn, 21 tuổi, ở huyện Nhà Bè, là "lính cũ", đã ra đảo một năm. Tuấn hào hứng khoe ở Trường Sa huấn luyện nhiều hơn trong bờ. "Có khi đang đi vệ sinh nghe báo động chiến đấu cũng phải chạy ra vị trí chiến đấu, đẩy pháo ra", Tuấn dí dỏm.
Ở trên đảo một năm nên Tuấn đã có trải nghiệm về bão Trường Sa. Bão ập về, nước ngập vô hầm, chiến sĩ phải tập trung múc nước ra.
"Mùa biển động sóng đánh, đi gác gió thổi bay người", Tuấn kể. Nói về những ngày đầu ra đảo, Tuấn cười cho rằng ấn tượng nhất là chuột Trường Sa: "Chuột bự lắm, bự hơn con chó con. Chó nhìn thấy sợ chạy luôn. Muỗi ruồi nhiều lắm, ban trưa gì muỗi không ngủ nổi. Trưa ngủ phải giăng mùng".
Anh chàng mỉm cười bảo lính đảo vậy chớ "sang chảnh" lắm. Đi gác về lỡ giờ ăn có mì gói với xúc xích. Lâu lâu thèm ăn gì thì nhờ mấy chị ở hộ dân kết nghĩa làm.
"Mình thèm đông sương thì đi hái dừa, thèm trà sữa thì đưa cà phê, đưa sữa cho mấy chị làm. Mấy chị có bột, làm trân châu, làm thạch", Tuấn kể.
Binh nhất Nguyễn Văn Tuấn cho hay ở ngoài đảo không có báo động giả, toàn báo động thiệt. Có khi một tháng báo động chỉ 1-2 lần. Có khi một ngày báo động 3 lần. “Đang ngủ cũng báo động. Bọn mình bật khỏi giường chạy ngay, đẩy pháo ra triển khai trận địa. Đâu có đứa nào kịp xỏ quần dài, mặc luôn cả quần đùi. Vì báo động cấp 1, báo động chiến đấu chứ có phải giỡn đâu”, Tuấn kể. |
Trên chuyến tàu chở quân ra đảo, mỗi khi tàu đến một đảo để thay - thu quân, các chiến sĩ lại tập trung ra boong bịn rịn chia tay bạn vào đảo. Họ gặp nhau chỉ mấy tháng tân binh trong đất liền nhưng đã kịp quý mến nhau.
Kỳ tới: Những ngày tháng tươi đẹp
Theo MY LĂNG (TTO)