Việc IELTS bị đột ngột tạm thời đình chỉ việc tổ chức thi đã khiến cho dư luận rúng động, vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai của rất nhiều người.
Bài thi IELTS đang đóng vai trò “người gác cổng” trong lĩnh vực giáo dục ở khá nhiều vị trí quan trọng, như miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm một căn cứ để xét tốt nghiệp đại học, miễn thi tiếng Anh đầu vào cao học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng, tuyển sinh...
Câu hỏi đặt ra là làm sao phải đến nỗi này, và cần làm gì để tránh những điều tương tự sẽ xảy ra ?
Ở đây, cần tách bạch rõ hai điều khác nhau. Trước hết, vào cuối tháng 7.2022 vừa qua Bộ GD-ĐT có ban hành Thông tư 11/2022 quy định về việc liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo thông tư này, tất cả các cá nhân, tổ chức được thành lập hợp pháp trong và ngoài nước có liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam phải nộp hồ sơ lên Bộ để được phê duyệt và cấp phép, sau khi cam kết và chứng minh đã có đủ các điều kiện để hoạt động theo quy định mới ban hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10.9.2022, tức cách đây đã 2 tháng, đồng nghĩa với việc bất cứ cá nhân, tổ chức nào chưa được Bộ cấp phép thì đều đang hoạt động không hợp pháp, và với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ hoàn toàn có quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi thực hiện mọi yêu cầu của quy định.
Nhưng việc dừng các kỳ thi quốc tế, trong đó có IELTS, một cách đột ngột như hiện nay không phải là một cách làm tối ưu, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến khá nhiều người đang sử dụng chứng chỉ này. Đúng là trên thực tế, trong thời gian gần đây đã có những dư luận không tốt về khả năng có tiêu cực trong việc tổ chức thi IELTS tại Việt Nam, và việc thắt chặt quản lý là cần thiết. Nhưng cần lưu ý rằng khả năng có tiêu cực không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam, và cũng không chỉ xảy ra với IELTS. Có thể nói, tất cả mọi kỳ thi chuẩn hóa quốc tế quan trọng đều tiềm ẩn khả năng có vấn đề về bảo mật. Và tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm để phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn này.
Một kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi quan trọng như IELTS, sẽ qua rất nhiều khâu. Trước hết là quy trình xây dựng đề thi sao cho đạt yêu cầu về tính giá trị và độ tin cậy. Đối với IELTS, quy trình đầu tiên này do Cambridge Assessment chịu trách nhiệm. Cho đến nay Cambridge vẫn đang làm rất tốt việc bảo đảm chất lượng đề thi, và đó là lý do IELTS có được sự tín nhiệm cao trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi đã có một bài thi hoàn chỉnh thì việc thành bại của kỳ thi phụ thuộc hoàn toàn vào nơi tổ chức thi. Và đây có thể chính là lỗ hổng của kỳ thi này, mà Bộ GD-ĐT với Thông tư 11/2022 đã cố gắng khắc phục. Nhưng nếu chỉ một mình Bộ vào cuộc thì chắc chắn là không đủ.
Mặc dù trên nguyên tắc thì cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đóng vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm trước hết, nhưng trên thực tế thì chính hành xử của những người sử dụng kết quả của bài thi mới có tính quyết định tối thượng. Nếu tất cả mọi thí sinh đều chỉ lựa chọn những bài thi có giá trị của các tổ chức có uy tín và tẩy chay những kỳ thi không thực chất, nếu toàn xã hội đều lên án những người có bằng thật mà chất lượng giả thì chắc chắn sẽ khó có tình trạng mua bán đề thi hoặc cử người thi hộ, như dư luận đang có nghi vấn về kỳ thi IELTS hiện nay.
Điều quan trọng hơn là xây dựng một nền văn hóa liêm chính trong giáo dục, trong đó khâu quan trọng nhất là thi cử. Đó mới đích thực là giáo dục.
Theo TS Vũ Thị Phương Anh (TNO)