(GLO)- Trước khi về với “thế giới người hiền” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp để lại cho chúng ta một bản Di chúc bất hủ. Chỉ với hơn 1.000 từ nhưng Di chúc chứa đựng nhiều tư tưởng lớn lao của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có tư tưởng về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu) |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến đoàn viên, thanh niên và việc chăm lo lực lượng kế cận của cách mạng. Người đã khen ngợi và đánh giá cao về tính xung phong, không ngại khó của thanh niên: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Nhưng đó cũng là lời nhắc nhở khéo khi Bác viết “nói chung là tốt”, có nghĩa rằng chưa hoàn toàn tốt hết, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng và hời hợt. Chính vì vậy mà Người yêu cầu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người khẳng định: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bởi theo Người, nếu không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Người dành nhiều tình cảm và sự kỳ vọng vào thanh niên vì “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Vì thanh niên là lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lớp người kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Vì thanh niên là “người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” như Người đã khẳng định qua Di chúc.
Để thế hệ trẻ xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở trách nhiệm của lớp cha anh trong việc bồi dưỡng, dìu dắt họ, bởi đó là công việc “rất quan trọng và cần thiết” của cách mạng, của Đảng. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người” và Người đã từng nêu ra cụ thể: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc…”.
Mục đích, nhiệm vụ cơ bản của việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, theo tư tưởng Hồ chí Minh là đào tạo những con người Việt Nam phát triển toàn diện, một thế hệ kế tiếp có đủ đức và tài, trong đó lấy đức làm gốc. Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, trước hết phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa”. Đây là tổng kết lý luận được rút ra trên cơ sở những trải nghiệm của hơn 70 năm học tập, nghiên cứu, đấu tranh và cống hiến từ chính cuộc đời và sự nghiệp đầy sóng gió và vinh quang của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính thời đại sâu sắc vì vậy mà 45 năm qua nhưng di huấn của Người về chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ vẫn còn nguyên giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Những lời căn dặn của Người đã chỉ ra phương hướng cơ bản cho chiến lược đào tạo con người, đặc biệt là đào tạo thế hệ trẻ, chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta trong suốt mấy chục năm qua và cả trong thời gian sắp tới.
Ths. Đào Ngọc Bình