Từ ngày 1-7: Áp dụng nhiều ưu đãi thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo đề nghị của Chính phủ và thảo luận về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Với gợi ý từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã thống nhất trình Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp thứ 5, đồng thời cho áp dụng một số quy định mới ngay từ ngày 1-7-2013, thay vì ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ.

Gói hỗ trợ chưa tương xứng với mục tiêu

 

Được ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện vượt khó để phát triển.
Được ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện vượt khó để phát triển.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ tiền thuế được Chính phủ đề nghị lần này (khoảng 2.647 tỷ đồng) chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách là “hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế”.

Trong số các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra không đồng tình với việc miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất.

Về đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành chủ trương; song lưu ý thêm: “Những đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ diện tích sàn dưới 70m² và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² đều là những đối tượng chưa phải đã có thu nhập cao. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng: “Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m²”, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường...

Chính phủ đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31-12-2014 và thực hiện từ 1-7-2013.

 

Sản xuất trong nước cần được ưu đãi về thuế nhiều hơn nữa.
Sản xuất trong nước cần được ưu đãi về thuế nhiều hơn nữa.

Đảm bảo tính thống nhất của luật pháp

Cho ý kiến về các đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn về việc đã 3 năm liên tục QH phải ban hành nghị quyết về thuế để tháo gỡ khó khăn. “Như vậy không bảo đảm tính ổn định của chính sách thuế”, ông nói. Mặt khác, cần rà soát, đối chiếu các ưu đãi được đề xuất với các luật thuế sắp được thông qua để đảm bảo tính thống nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau đó đã đưa ra giải pháp đẩy sớm thời hạn áp dụng nhiều nội dung trong các dự luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.

Liên quan đến những nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận việc hạ nền thuế suất phổ thông xuống 22%, cũng như nêu rõ thời điểm áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ ngày 1-1-2016 trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một bước tiến tích cực. “Tuy nhiên, luật thuế phải đơn giản, dễ áp dụng chứ tính toán quá chi tiết đến số lượng lao động, doanh thu vừa gây khó khăn cho công tác điều hành thu, vừa dễ nảy sinh tiêu cực”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.

Tương tự, việc đo đếm diện tích căn hộ để tính thuế giá trị gia tăng cũng là một việc làm khó khăn, thậm chí nếu thiếu các giải pháp quản lý thì có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, rà soát kỹ, tránh bỏ sót các doanh nghiệp thực sự cần được ưu đãi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn khó khăn; doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra trình các dự luật về sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng theo trình tự thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 5 của Quốc hội. “Cần tính toán thời điểm, quy định rõ lộ trình giảm thuế vào luật. Những nội dung chưa thống nhất, các cơ quan soạn thảo - thẩm tra phải tiếp tục cân nhắc theo nguyên tắc giữ nguyên hoặc tăng thêm những ưu đãi đã có trong luật hiện hành chứ không giảm bớt. Có thể đưa ra các phương án khác nhau để Quốc hội cho quyết định cuối cùng”.

Cụ thể hóa vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam

Buổi sáng cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) (sửa đổi). So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi đã tăng thêm 1 chương, 16 điều, sửa đổi 17/18 điều. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” của MTTQVN nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của MTTQVN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Một đề nghị sửa đổi quan trọng nữa liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, đây là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần xem xét thận trọng. Cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý phải rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN.

Đơn cử, cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội chỉ bao gồm hẹp trong phạm vi những vấn đề “có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” hay mở rộng ra mọi vấn đề (như cách giải thích từ ngữ tại dự thảo luật).

Đồng thời, cần xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội; trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, phản biện trong việc thi hành kết luận giám sát, phản biện; mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước...

Theo sggp

Đề xuất của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

* Áp dụng từ ngày 1-7-2013 một số quy định về thuế quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

1. Doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

2. Doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

3. Doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thu nhập doanh nghiệp.

* Ban hành một số chính sách thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng như sau:

1. Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014. Nhà ở xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở.

2. Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m² phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014.

3. Tài sản đảm bảo của khoản nợ mua vào, bán ra của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam do Chính phủ thành lập thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.