Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 5: Kỷ vật người chồng tử sĩ ở Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
46 năm trôi qua, kể từ ngày bi tráng Hoàng Sa thất thủ 19-1-1974 đến nay, bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa ở Thới Thạnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên những kỷ vật của chồng.
Bà Lựa và tấm ảnh chụp với chồng tại Sài Gòn khi tàu Nhật Tảo về neo đậu tại đây - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bà Lựa và tấm ảnh chụp với chồng tại Sài Gòn khi tàu Nhật Tảo về neo đậu tại đây - Ảnh: CHÍ QUỐC
“Từ hôm đào lên lại, mẹ tui xúc động gìn giữ kỷ vật của ba cẩn thận lắm. Mẹ tui ở đâu, ba tui ở đó cho đến ngày mẹ trao tặng lại cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Anh NGUYỄN HOÀNG SA (con trai bà Lựa)
Chồng bà Lựa là ông Nguyễn Thành Trọng - trung sĩ hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 từng giao tranh với hải quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974.
Từng chôn xuống đất kỷ vật của chồng
Cần Thơ những ngày cuối tháng 4, căn nhà bà Lựa nóng hầm hập trên tuyến đường từ quận Ô Môn đi Thới Lai. Về đây sống cùng người con Nguyễn Hoàng Sa - một cái tên do bà Lựa đặt với bao kỷ niệm về chồng và quần đảo của Tổ quốc.
Mở chiếc cặp da cũ kỹ, bà lấy ra vài bức ảnh trắng đen ố màu và những tờ giấy mốc sờn rách góc nhưng còn rõ chữ.
"Ảnh ổng chụp cùng bạn ở đảo Hoàng Sa. Ảnh này cô chụp chung kỷ niệm với ổng ở Sở thú Sài Gòn. Giấy này là hôn thú của cô với ổng. Còn đây là giấy trích lục báo chồng cô tử trận trong cuộc hải chiến với quân Trung Quốc năm đó..." - bà Lựa xúc động nói.
Ngồi lặng người, bà Lựa cầm bức ảnh cũ của chồng mà rướm nước mắt: "Năm 1972, ổng cưới cô được ít hôm rồi ổng đi. Ở nhà cô cũng nhớ ổng nhưng biết làm sao được. Lâu lâu ổng mới về thăm cô một lần" - bà kể.
Mỗi lần về, ông Trọng thường ở nhờ nhà một người chị ruột ở Sài Gòn, rồi nhờ ông chú chạy xe hàng báo cho gia đình để bà quá giang xe lên thăm chồng.
"Vợ chồng cô mừng lắm, quấn quýt nhau. Lần nào cũng vậy, cô hay nấu những món ăn ổng thích. Ổng dắt cô đi chơi rồi chụp ảnh kỷ niệm. Hết ngày nghỉ ổng lại lên tàu Nhật Tảo. Cô trở về lại Cần Thơ. Vậy mà cô cũng cảm thấy vui" - kể đến đây, đôi mắt trĩu nặng u buồn của bà Lựa ánh lên những tia lấp lánh.
Lần cuối gặp nhau, ông Trọng chia tay vợ tại cảng Bạch Đằng, Sài Gòn và dặn bà ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Bà quay ngược trở về Cần Thơ, còn ông Trọng cùng đồng đội lên tàu Nhật Tảo hướng ra vùng biển miền Trung. Đó cũng là lúc quần đảo Hoàng Sa đang bị lăm le xâm chiếm.
Ngày 19-1-1974, cuộc hải chiến Hoàng Sa bùng nổ giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Sài Gòn bảo vệ chủ quyền quần đảo của mình. Hộ tống hạm Nhật Tảo bị hỏng một động cơ từ trước nên mất khả năng linh hoạt và hệ thống vũ khí cũng bị trục trặc nên đã bị bắn chìm.
Trong các tử sĩ anh hùng trên con tàu này có ông Nguyễn Thành Trọng.
"Ngày ổng mất, cô chẳng hề hay biết. Khi đó cô đã mang thai đứa Hoàng Sa hơn một tháng, gia đình sợ cô buồn nên giấu. Mãi mấy ngày sau cô mới hay tin" - bà Lựa nhớ lại ký ức thương đau.
Những kỷ vật liên quan đến chồng, bà Lựa chỉ nhận được vài tấm ảnh kỷ niệm và giấy báo tử được gửi từ Đà Nẵng về. Tuy vậy, bà Lựa luôn xem đó như "báu vật" của riêng đời mình.
Bà tâm sự những kỷ vật đó không chỉ chứa đựng tình cảm yêu thương của hai vợ chồng qua những lần gặp mặt ngắn ngủi, mà còn là hình ảnh về một người chồng quá cố đã bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương.
Chồng nằm lại Hoàng Sa. Ít năm sau, bà Lựa khăn gói dẫn con về lại quê ngoại ở huyện Thới Lai sinh sống. Tuy nhiên, đời sống mẹ góa, con côi như bà Lựa chưa bao giờ dễ dàng.
Kể về những nỗi gian truân, vất vả của mình, bà Lựa nghẹn ngào: "Khổ sở biết bao nhiêu. Thằng Hoàng Sa còn nhỏ, một mình cô gồng gánh nuôi con. Sau này nó lớn lên, mẹ con mót được ít tiền mở làm cửa hàng nhôm. Mần ăn chẳng được, cô mới chuyển sang mua phế liệu tới giờ tính ra cũng được 4-5 năm rồi".
Nhắc đến đây, bà Lựa trầm ngâm kể sau 1975 đất nước thống nhất, để lưu giữ lại những kỷ vật của chồng, bà đã nghĩ cách chôn kỹ.
"Tui làm cẩn thận lắm, bằng cách lấy giấy tờ và hình ảnh bỏ vào hũ keo. Tiếp đó, tui còn dùng bọc nilông bịt lại ba lớp để mang ra sau vườn của ngoại thằng Hoàng Sa mà chôn kín xuống đất" - bà Lựa kể lại quá trình cẩn thận gìn giữ kỷ vật của chồng.
Chôn xong, để tránh thất lạc, bà Lựa còn cẩn thận để lên chỗ đó một ít đá và trồng một cây xanh làm dấu.
"Làm vậy, tui có đi đâu không mang theo được thì kỷ vật của chồng mình vẫn còn đó. Khi cần, khi nhớ, tui đào lên là được thấy ổng à" - bà Lựa cho biết thêm.
Tuy nhiên qua bao cuộc thăng trầm, khó khăn, đến năm 2000 bà Lựa mới thu xếp trở về được vùng đất xưa để tìm lại kỷ vật của chồng. Mọi thứ đã đổi thay.
"Tui đào bới lâu lắm mới gặp. Như thấy ổng đang đứng trước mặt, tui rớt nước mắt xúc động khôn xiết. Ảnh nè, giấy tờ nè, vẫn còn y nguyên" - bà Lựa vui vẻ cười.
Tổ quốc cần, sẵn sàng trao tặng
"Khoảng năm 2010, nghe điện thoại của UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi, mời góp hiện vật Hoàng Sa, tui cứ thao thức mãi, mong mỏi từng ngày được ra Đà Nẵng để hiến tặng kỷ vật và viếng hương hồn chồng ngoài đó. Từ sân bay Trà Nóc bay thẳng ra Đà Nẵng có hơn một giờ mà cảm xúc tui cứ bùi ngùi khó tả" - bà Lựa tâm sự.
Bà còn nhớ khi ra tới nơi, bà đã xúc động mở chiếc cặp đen cũ kỹ để rưng rưng lấy ra từng kỷ vật của chồng mình như ảnh chân dung ông Nguyễn Thành Trọng, ảnh chụp hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 có bút tích của ông Trọng, ảnh chân dung trắng đen của bà.
Đặc biệt là tờ trích lục khai tử của chồng do Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn cấp ngày 22-2-1974, tờ bưu tín tin tạ thế của chồng, tờ trích lục chứng thư hôn phối... Ngân ngấn nước mắt như chia tay chồng, bà hiến tặng lại cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.
"Chúng thân thương với đời tui lắm nhưng khi nghe đất nước cần, tui cũng sẵn lòng hiến tặng những kỷ vật của chồng. Tui không chỉ gửi tặng ở Hoàng Sa mà còn ở Bảo tàng TP Cần Thơ. Hổng bao nhiêu nhưng tui nghĩ chúng ít nhiều gì cũng góp thêm những chứng lý khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mình" - bà Lựa nói.
Trong căn nhà chất đầy phế liệu, giọng bà Lựa đầy cảm xúc cứ vang lên đều đều: "Hoàng Sa, con ra trước xem ai đến vậy".
Tôi hỏi: "Vì sao cô đặt tên con là Hoàng Sa?". Bà bảo: "Đặt tên con như vậy vì cô có hai lý do. Thứ nhất, cô muốn thằng Hoàng Sa luôn nhớ rằng nó có một người cha anh dũng chiến đấu bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, nó sẽ gợi lại những kỷ niệm yêu nước mãi mãi không quên.
Thứ hai, gọi con để cô có thể nhớ đến chồng - một người chồng, người cha không thể thấy được mặt con trai dù chỉ một lần".

Vẫn còn nhiều kỷ vật Hoàng Sa

Tờ bưu tín báo ông Trọng tử trận trong lúc bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Tờ bưu tín báo ông Trọng tử trận trong lúc bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

"Công việc sưu tầm kỷ vật, tư liệu chủ quyền Hoàng Sa nên được tiếp tục mở rộng hơn nữa và làm sao cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước đều quan tâm. Chiến tranh qua đi với nhiều đổi thay, nhưng tôi tin rằng vẫn còn nhiều hình ảnh, tài liệu liên quan đến quá trình người Việt thực thi chủ quyền trên quần đảo thiêng liêng này.
Chúng không chỉ nằm trong các thư viện trên thế giới, mà có thể ngay trong nhà các cựu binh năm xưa đang ở trong nước hay nước ngoài" - ông Lữ Công Bảy, quân nhân giám lộ tàu HQ4 Trần Khánh Dư tham gia hải chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1-1974, tâm sự.
Theo ông, từng tờ giấy sự vụ lệnh điều động người lính Việt ra bảo vệ đảo, từng tấm hình, giấy báo tử năm nào ở Hoàng Sa đều góp phần cất tiếng nói sự thật quần đảo thiêng liêng này đã và mãi mãi là của Việt Nam.
QUỐC MINH
Đi tìm kỷ vật, tư liệu Hoàng Sa là biết bao câu chuyện thổn thức lòng người, giống như đi tìm một phần máu thịt không thể chia lìa của Tổ quốc...
Kỳ tới: Đi tìm máu thịt không thể chia lìa của Tổ quốc
CHÍ QUỐC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.