Như một thói quen, khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vừa dứt, em Ksor Thương (lớp 5/3) cùng các thành viên CLB liền ùa vào thư viện. Mỗi em cẩn thận lấy loại nhạc cụ mà mình thường chơi rồi tập trung ở sân trường hăng say tập luyện. Giai điệu vui tươi, rộn ràng của ca khúc “Hát mừng Anh hùng Núp” vang lên với sự hòa tấu đồng điệu của đàn t’rưng, klông pút, trống, phách... Chẳng mấy chốc, nơi này trở thành địa điểm thu hút sự chú ý của học sinh toàn trường. “Em thích chơi các loại nhạc cụ dân tộc từ năm học lớp 2, bắt đầu với cồng chiêng. Đến nay, em đã biết chơi hầu hết các nhạc cụ nhưng chưa giỏi. Khi được tham gia CLB, em rất vui vì được giao lưu, học hỏi và duy trì nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”-Ksor Thương bày tỏ.
Cạnh bên, em Siu Y Trọng (lớp 5/2) hào hứng nói: “Em biết chơi phách và đàn klông pút. Lúc đầu tập hơi khó, em phải mất gần 2 tháng mới biết đánh. Được tập luyện và tham gia biểu diễn cùng các bạn trong CLB, em vui lắm nên cứ thích đi học thôi”.
Trường Tiểu học Anh Hùng Núp có hơn 80% học sinh là người dân tộc Jrai. Trước đây, đa phần các em nhút nhát, thiếu tự tin khi đến lớp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập cũng như hoạt động phong trào. Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để giúp học sinh phát huy tinh thần đoàn kết, mạnh dạn, hòa đồng và gắn bó hơn với trường lớp.
Theo cô Khương Thị Ngọc Ánh-giáo viên Tổng phụ trách Đội, đến năm học 2018-2019, số thành viên của CLB đã tăng lên 60 em, trải đều từ lớp 2 đến lớp 5, trong đó có 20 em nữ múa xoang. Các em đã được biểu diễn nhiều hơn trong các chương trình hoạt động ngoại khóa, hội thi, hội diễn và đạt một số giải thưởng đáng khích lệ. Cũng trong năm học này, nhà trường tiếp tục ra mắt CLB đàn t’rưng với sự tham gia của 28 học sinh. Từ các nguồn vận động xã hội hóa, nhà trường đã mua được 1 bộ cồng chiêng và các loại nhạc cụ với tổng trị giá 22 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi để CLB hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động song song 2 CLB trên, nhà trường nhận thấy những em chơi được cồng chiêng đều có khả năng chơi đàn t’rưng và ngược lại. Do đó, năm học 2019-2020, 2 CLB này được nhập lại và đổi tên thành CLB Nhạc cụ dân tộc.
Là người thường xuyên hỗ trợ CLB Nhạc cụ dân tộc của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp trong quá trình tập luyện, nghệ nhân Ksor Quynh (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi) phấn khởi nói: “Tôi rất mừng khi nhìn thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được thế hệ sau trân trọng giữ gìn và phát huy. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em rất có khiếu đánh cồng chiêng, chơi đàn. Việc thành lập những CLB như thế này trong trường học là rất ý nghĩa”.
Không chỉ thu hút các em học sinh, CLB còn nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. “Em gái tôi tham gia múa xoang, rồi chơi đàn t’rưng ở trường được 2 năm. Thấy bé thích nên cha tôi có chỉ dạy thêm cách chơi đàn. Chúng tôi rất mừng khi nhà trường tổ chức được những sân chơi bổ ích cho học sinh. Mỗi khi có hội thi, hội diễn, gia đình tôi cũng thay nhau đi cổ vũ cho các bé”-chị Rơ Lan H’Hạnh (làng Chuét 2) chia sẻ.
Theo đánh giá của cô Hoàng Thị Kim Ngân-Hiệu trưởng nhà trường, sau hơn 4 năm hoạt động, CLB đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Theo đó, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh luôn đạt 100%, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. “Năm học 2020-2021, toàn trường có 530 học sinh, riêng học sinh dân tộc thiểu số là 442 em. Thời gian đến, chúng tôi dự kiến mở rộng thêm quy mô của các CLB, nhóm sở thích, trong đó có CLB Nhạc cụ dân tộc”-cô Ngân cho biết.