(GLO)- Đã hai lần tôi về thăm Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN) ở Tây Ninh nhưng chưa thể nào tham quan hết các hạng mục của quần thể di tích rộng lớn này.
Thực ra cụm từ Trung ương Cục miền Nam chỉ có những người trong Chiến khu R mới hiểu được còn nhiều cán bộ kháng chiến khác có nghe tên nhưng chưa một lần đến nên không minh tường lắm. Thực chất đây là một bộ phận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (trước là Đảng Lao động Việt Nam) trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam thống nhất đất nước từ sau phong trào Đồng Khởi năm 1960.
Ảnh: Hoàng Linh Việt |
Tiền thân của tổ chức này là Xứ ủy Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Bấy giờ, bộ phận đầu não của Trung ương Cục di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau, ban đầu đóng ở Chiến khu Đ-Mã Đà-Đồng Nai, sau chuyển về Bắc Tây Ninh-Đông Nam bộ; trong những năm ác liệt căn cứ Trung ương Cục chuyển sâu vào đất Campuchia, đến sau Hiệp định Paris năm 1973 mới dời về Tây Ninh như phần di tích hiện tại chúng ta nhìn thấy.
Theo cán bộ quản lý Di tích Trung ương Cục, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với mật danh: R, C2, Ông Cụ, căn cứ Trung ương Cục được bảo vệ tuyệt đối bí mật, an toàn; quy chế ra vào, thông tin liên lạc hết sức cẩn mật và khắt khe, ai làm nhiệm vụ gì chỉ biết nhiệm vụ đó trong một không gian nhất định; có những cuộc họp bí mật đến mức mọi người chỉ nhận ra nhau qua tiếng nói quen thuộc còn không biết mặt nhau (vì có trang bị mạng che mặt).
Được tổ chức chặt chẽ như vậy, địch không cài cắm được gián điệp vào vùng hậu cứ của ta nhưng chúng vẫn phát hiện ra lãnh địa bí mật của Đảng ở miền Nam và đã tổ chức nhiều trận càn nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Chúng đã dùng cả bom B52 rải thảm vào vùng căn cứ địa ở đây nhưng chúng ta đã chủ động phòng tránh an toàn.
Dưới những tán rừng trùng trùng điệp điệp nằm ở huyện Tân Biên, Bắc Tây Ninh sát biên giới Việt Nam-Campuchia, Chiến khu R, bộ não của cách mạng miền Nam đã bí mật hoạt động, lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân vùng lên đánh Mỹ suốt 15 năm trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi từng phần và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc năm 1975.
Vị thế của Trung ương Cục ở Tây Ninh là vùng “địa lợi” chỉ cách Sài Gòn hơn 100 km, sát với nước bạn Campuchia tiện lợi cho việc tiếp tế khí tài, quân lương và tiến thoái cơ động tùy theo tình hình. Cùng với Trung ương Cục, chúng ta có các đường dây nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ, các chiến khu ở U Minh Thượng và U Minh Hạ, Địa đạo Củ Chi tạo thành một gọng kìm áp sát các cơ quan đầu não của Mỹ-Ngụy.
Có thể nói, nhìn lại cách bố phòng thế trận trên các chiến trường Đông-Tây Nam bộ có sự liên hoàn khá chặt chẽ từ trên rừng dưới biển, từ núi non hiểm trở đến các sông rạch chằng chịt, trên đất liền và dưới lòng đất tạo nên một trận đồ bát quái với thiên la địa võng bao vây địch tứ phía khiến chúng nao núng, mất ăn mất ngủ, điên cuồng bố ráp, càn quét khắp nơi. Với bộ máy chiến tranh hiện đại của Mỹ và chư hầu, chúng mở nhiều chiến dịch tìm diệt, hòng đập tan sở chỉ huy Trung ương Cục và cắt các đường chi viện vào chiến trường miền Nam của ta nhưng càng đánh ta càng phát triển mạnh lên, áp đảo các vùng chiến thuật của địch khiến chúng ngày càng bị co cụm lại và vùng giải phóng của ta được mở rộng.
Đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng đánh giá: Chiến khu Bắc Tây Ninh đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ trong kháng chiến chống Pháp. Từ căn cứ này, quân chủ lực ta tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây và trên chiến trường Nam bộ. Dưới con mắt của các nhà chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ thì việc chọn căn cứ địa kháng chiến là việc hệ trọng mang yếu tố có tính quyết định đến sự thắng bại của cục diện cuộc chiến trong thế đối đầu với địch. Do vậy Chiến khu R ở Tây Ninh có vị trí đặc biệt trong lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Thăm lại những cánh rừng bạt ngàn xanh tươi ở Bắc Tây Ninh, do được bảo vệ tốt từ trước năm 1975 cho đến khi khu di tích TƯCMN được Nhà nước công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây càng được tôn tạo khá quy mô, đường sá đi lại thuận lợi cả hai mùa mưa-nắng, tôi cảm thấy ấm lòng vì cảnh quan, môi trường trong khu vực rộng lớn được gìn giữ khá chu đáo. Nhìn những căn nhà lợp lá trung quân đơn sơ được phục chế gần như nguyên mẫu của các đồng chí lãnh đạo TƯCMN bấy giờ như : Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà... với những đồ vật thân quen từ trong chiến khu nhiều người trầm trồ, cảm động.
Nhiều căn nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo khi về đây từ đầu năm 1973, họ còn trồng bưởi, vú sữa, cây hoa sứ... giờ vẫn ra hoa, kết trái xen kẽ cùng những cây rừng sum suê tỏa bóng .Bên cạnh những giao thông hào ngoằn ngoèo chằng chịt trong căn cứ, chúng ta còn thấy nhiều hố bom B52 của Mỹ rải thảm vẫn còn lại dấu tích. Có vài hố bom nằm cạnh căn nhà làm việc của lãnh đạo TƯCMN, các đồng chí ấy còn tận dụng để nuôi cá để cải thiện bữa ăn...
Thăm ngôi nhà trưng bày của Trung ương Cục, chúng ta thật sự xúc động khi nhìn lại những hiện vật của cán bộ, chiến sĩ, các đồng chí lãnh đạo gắn bó, nằm gai nếm mật suốt bao năm ở Chiến khu R. Từ chiếc khăn, cái lược đến bộ đồ ka ki; từ chiếc radio đến khẩu súng cá nhân; từ lá thư viết vội đến cuốn sổ tay ố vàng ghi những dòng nhật ký dở dang... đã làm sống dậy những hình ảnh thân thương trong những năm gian khổ, ác liệt đầy hy sinh, mất mát của bao người con đi kháng chiến.
Trong số hàng ngàn hiện vật được trưng bày ở đây, tôi đặc biệt chú ý đến chiếc xe đạp thể thao còn như mới của đồng chí Võ Văn Kiệt. Các nhân viên ở đây cho biết, đây là chiếc xe đạp của anh Sáu Dân được một người nước ngoài có cảm tình với cách mạng tặng khi về căn cứ Tây Ninh năm 1973. Anh Sáu Dân từ đó thường đi chiếc xe đạp thể thao này trong địa bàn chiến khu vừa thuận tiện vừa tập thể dục. Đó là hình ảnh một con người cách mạng hết sức gần gũi, năng động và thực tế trong mọi tình huống, môi trường khác nhau.
Hoàng Linh Việt