Chuyên gia Lokshin cho rằng Trung Quốc đang vận dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, sử dụng quyền lực mềm, qua đó thắt chặt các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 đang đậu trên đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi |
Sputnik ngày 11-5 đưa tin, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với chủ đề “Xung đột trên biển Đông trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Cây gậy và củ cà rốt
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích những diễn biến thời gian gần đây trên biển Đông, đồng thời thảo luận triển vọng giải quyết vấn đề. Các chuyên gia khẳng định cuộc xung đột trên biển Đông đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu, bởi bên cạnh các quốc gia có tuyên bố chủ quyền thì đây là nơi hội tụ lợi ích của các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.
Điểm khiến các đại biểu tham dự đặc biệt lo ngại đó là những hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc Bắc Kinh lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa trong khu vực tranh chấp, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Ông Grigory Lokshin, chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng việc Trung Quốc tiếp xúc với ASEAN ở cấp đa phương, điều Bắc Kinh luôn né tránh trước đây, chỉ nhằm xây dựng niềm tin và thúc đẩy các dự án chiến lược trong khu vực biển Đông.
Chuyên gia Lokshin cho rằng Trung Quốc đang vận dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, sử dụng quyền lực mềm, qua đó thắt chặt các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Trong bài tham luận nhan đề “Hiện trạng của luật pháp quốc tế có tính đến quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye về cuộc xung đột trên biển Đông”, ông Pavel Gudev, chuyên gia Luật quốc tế của Viện Nghiên cứu quốc gia về quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới Primakov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye đã cho thấy rõ tính bất hợp pháp của các tuyên bố của Trung Quốc đối với 80% diện tích mặt nước của biển Đông.
Kết thúc bài tham luận, từ quan điểm luật pháp quốc tế hiện đại, chuyên gia Gudev nhấn mạnh Trung Quốc không nên can thiệp hoạt động kinh tế của các nước láng giềng tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt là việc ngăn cản các ngư dân Philippines, Việt Nam đánh cá trong khu vực truyền thống của các nước này.
Không nguôi tham vọng
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) mới đây đã công bố bức ảnh vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đậu trên đường băng mà nước này ngang nhiên xây dựng phi pháp ở Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo AMTI, các cơ sở dân sự và quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập kết nối nhóm đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở biển Đông hiện đã gần hoàn thành sau nhiều năm xây dựng.
Những hình ảnh cực do vệ tinh chụp được cho thấy, một chiếc máy bay quân sự Shaanxi Y-8 đang đậu trên đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Y-8 là máy bay vận tải quân sự nhưng một số phiên bản có thể sử dụng để vận chuyển trực thăng, chống ngầm và do thám.
Theo AMTI, những động thái của Trung Quốc ở Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc có tham vọng theo đuổi mô hình họ từng thực hiện phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài máy bay, Trung Quốc còn lắp đặt các thiết bị gây nhiễu quân sự ở Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập; lắp đặt các tên lửa hành trình diệt hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên 3 tiền đồn mà Bắc Kinh cải tạo phi pháp ở biển Đông. Các loại tên lửa được Trung Quốc triển khai bao gồm tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B có khả năng tấn công các tàu trong phạm vi 295 hải lý.
Ngoài ra còn có tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể đánh trúng các mục tiêu là máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý.
Việt Anh tổng hợp (sggp)