(GLO)- “Sức nóng” của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đang lan tỏa khắp mọi ngõ ngách của Phố núi Pleiku. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa, lễ khai mạc Festival sẽ chính thức diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Thế nhưng hiện tại, Lễ hội đường phố-một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival chuẩn bị diễn ra. Bây giờ là 14 giờ 30 phút, nhóm P.V Gia Lai Online đang có mặt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai (60 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) để chuyển tải đến quý độc giả không khí nhộn nhịp của lễ hội đặc sắc này trước thềm khai mạc.
16 giờ 10 phút: Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 đã kết thúc. Đây thật sự là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Những nhạc cụ, những điệu múa, tiết tấu cồng chiêng cùng những trang phục đại diện cho từng dân tộc là điểm nhấn cho lễ hội. Không khí náo nhiệt, đông đúc của người tham gia biểu diễn cũng như của người xem đã góp phần làm sống dậy những nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
16h07 phút: Các đoàn nghệ nhân cuối cùng gồm Krông Pa, Mang Yang, TP. Pleiku đã di chuyển về Quảng trường Đại Đoàn Kết trong tiếng chiêng rộn rã và vũ điệu mừng lúa mới.
Bên cạnh các nghệ nhân đang say sưa biểu diễn trong Lễ hội đường phố, các phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đang tích cực tác nghiệp để mang đến cho độc giả, khán giả những hình ảnh sống động nhất của hoạt động này. “Lần đầu tiên tác nghiệp tại Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, tôi cảm thấy rất hào hứng. Không khí lễ hội mang đậm bản sắc đặc trưng của đồng bào Tây nguyên. Tuy nhiên, tôi cảm thấy các bài múa và phần trình diễn còn đơn điệu, trùng lắp dẫn đến thiếu sự sinh động”-phóng viên Việt Hiến (Báo Tuổi trẻ) chia sẻ.
16 giờ 05 phút: Đoàn nghệ nhân đầu tiên đã về đến Quảng trường Đại Đoàn Kết và tiếp tục trình diễn cồng chiêng, múa xoang. Các đoàn còn lại tiếp tục di chuyển vào khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, xếp mỗi đoàn 2 hàng ở khu vực cột cờ, thứ tự từ trái qua phải hướng về Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Trưởng các đoàn nghệ nhân nhận vị trí cho hoạt động sẽ diễn ra vào ngày mai (1-12), gồm: trình diễn nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, xoang, cà kheo, đan lát, chỉnh chiêng, hát dân ca, hát kể sử thi…
16 giờ 00 phút: Các đoàn nghệ nhân di chuyển đến đường Anh Hùng Núp. Các đoàn nghệ nhân tiếp tục trình diễn những màn múa uyển chuyển và đánh chiêng rộn ràng. Không khí ngày càng sôi động, các nghệ nhân biểu diễn ngày càng hăng say, thể hiện những màn trình diễn hấp dẫn phục vụ khán giả. Đặc biệt, đội cồng chiêng nhí của đoàn nghệ nhân Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả và phóng viên báo chí.
15 giờ 52 phút: Đoàn nghệ nhân nhí huyện Kông Chro (đơn vị dẫn đầu các đoàn nghệ nhân tham gia biểu diễn Lễ hội đường phố) đã di chuyển đến đường Anh Hùng Núp. Các đoàn khác trong tỉnh và đoàn tỉnh Đak Nông, Đak Lak đang nối nhau di chuyển đến đường Lê Lợi. Vừa tranh thủ ghi lại những hình ảnh của Lễ hội đường phố bằng điện thoại, anh Trần Nam Son (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai) vui vẻ cho hay: “Với tôi, lễ hội thật sự ý nghĩa. Cả gia đình đều tập trung ra đường từ sớm để đón chờ. Dù đã nhiều lần xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đi cà kheo, nhưng đây là lần đầu tôi được chứng kiến, hòa mình trong không khí biểu diễn trên đường phố.
|
Nghệ nhân đoàn Kông Chro (Gia Lai) tạo ấn tượng mạnh với du khách. Ảnh: Trần Dung |
15h40 phút: Các nghệ nhân của đoàn Chư Pah, Đak Đoa (Gia Lai)... đang trình diễn những màn múa xoang mềm mại, tiếng chiêng âm vang khắp cả đoạn đường Trần Hưng Đạo. Đoàn nghệ nhân Ayun Pa (Gia Lai) trình diễn tiết mục "Mừng nhà rông mới" và dần di chuyển qua đường Quang Trung.
Nghệ nhân Rơ Châm Pưh (đoàn nghệ nhân Chư Pah, tỉnh Gia Lai) với đôi bàn tay múa xoang uyển chuyển, chia sẻ: “Mình rất vui vì được biểu diễn những tiết mục đặc sắc cho các bạn trong và ngoài tỉnh cùng xem. Mình mong muốn có nhiều dịp để thể hiện các điệu múa đẹp của địa phương mình như thế này”.
|
Ảnh: Thế Hiển |
|
Đoàn Kbang (Gia Lai). Ảnh: Trần Dung |
15 giờ 36 phút: Các đoàn lần lượt di chuyển tới ngã tư đường Trần Hưng Đạo-Quang Trung và tạm dừng nghỉ 5 phút trước khi tiếp tục hành trình. Quệt vội giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, nghệ nhân nhí Đinh Thị Phúc (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) bộc bạch: “Lần đầu tiên được tham gia biểu diễn như thế này, em rất vui”.
|
Đoàn nghệ nhân Ia Grai (Gia Lai). Ảnh: Trần Dung |
|
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại lễ hội. Ảnh: N.T |
|
Người dân thích thú với Lễ hội đường phố. Ảnh: Trần Dung |
|
Đoàn Ayun Pa (Gia Lai) biểu diễn tiết mục "Mừng nhà rông mới". Ảnh: N.S |
15h26 phút: Trên đường Trần Phú và Hoàng Hoa Thám, đi đầu là đoàn nghệ nhân nhí Kông Chro (Gia Lai), tiếp đến là đoàn nghệ nhân Đak Lak và Đak Nông vẫn tiếp tục trình diễn các màn đánh chiêng, múa xoang, đi cà kheo hấp dẫn. Người dân và du khách tập trung ra đường xem càng lúc càng đông. Tại đây, có điểm tiếp nước uống do Ban tổ chức chuẩn bị cho các nghệ nhân.
|
Đoàn diễu hành đã đến ngã tư đường Quang Trung-Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku). Ảnh: N.T |
15 giờ 22 phút: Các nghệ nhân tiếp tục di chuyển sang đường Trần Hưng Đạo. Trao đổi với phóng viên, ông Y Lanh-Trưởng đoàn nghệ nhân tỉnh Đak Nông-cho biết: “Đoàn nghệ nhân tỉnh Đak Nông có 16 nghệ nhân dân tộc M’Nông tham gia trình diễn tại Lễ hội đường phố với hai bài chiêng Mừng ngày hội và Chúc mừng sức khỏe”. Người dân và du khách đón nhận lễ hội rất nồng nhiệt. Anh Trần Quốc Cường (TP. Quy Nhơn, Bình Định” hào hứng cho biết: “Là một du khách ở đồng bằng, nay lên đây được xem lễ hội đường phố, khám phá văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, bản thân tôi cảm thấy rất thú vị, mới lạ”.
|
Người dân và du khách bị hấp dẫn bởi Lễ hội đường phố. Ảnh: N.T |
15h20 phút: Người dân đổ ra đường phố chật như nêm. Ai cũng thích thú khi được xem các nghệ nhân biểu diễn. Trên đoạn ngã tư đường Lê Lai-Trần Phú, đoàn nghệ nhân Kông Chro (Gia Lai) đã dừng lại để trình diễn các màn đánh chiêng, múa xoang.
Hiện tại, các đoàn đang dừng nghỉ 5 phút. Đoàn Nghệ nhân nhí tỉnh Gia Lai đang biểu diễn những vòng xoang uyển chuyển và những bước đi cà kheo điêu luyện.
|
Đội cồng chiêng nhí Gia Lai biểu diễn xoang và đi cà kheo tại vòng xoay Trần Phú- Lê Lai. Ảnh: N.S |
|
Độc đáo với màn đi cà kheo. Ảnh: N.S |
15h10 phút: Bà Dương Thị Minh (TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Được xem những màn biểu diễn đậm bản sắc văn hóa này, tôi thấy rất thú vị và sôi động. Tôi và mọi người ở đây ai cũng vui mừng vì Lễ hội đường phố rất hấp dẫn và độc đáo”.
|
Đoàn nghệ nhân Đak Lak và Ayun Pa (Gia Lai) trên đường Trần Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: N.S |
15 giờ 5 phút: Trên các cung đường mà đoàn nghệ nhân đi qua, tiếng cồng chiêng rộn rã hòa vào các điệu múa đa dạng của nhiều dân tộc. 15 nghệ nhân Chu Ru của đoàn Lâm Đồng đang biểu diễn điệu múa Tamia Aria truyền thống của dân tộc mình. Đây là điệu múa xuất hiện từ các lễ hội cúng bái trong đền, về sau nó trở thành điệu múa dân gian mở đầu cho hội thi múa, lễ cắm nêu, lễ xây mộ, lễ cầu mưa…của đồng bào Chu Ru. Các cô gái Chu Ru giải thích Aria có nghĩa là múa cho vui, các chàng trai lại gọi đó là điệu múa mời uống rượu, còn già làng bảo rằng Aria có nghĩa là múa cung đình. Điệu múa Tamya Aria không mạnh mẽ, nóng bỏng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ đến nao lòng.
|
Đoàn Kon Tum trên đường Hoàng Văn Thụ (Pleiku, Gia Lai). Ảnh: N.S |
|
Đoàn Lâm Đồng đang biểu diễn trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Ngọc Sang |
|
Mỗi đoàn nghệ nhân mang đến lễ hội bản sắc riêng của dân tộc mình. Ảnh: Hồng Thi |
15h00 phút: Đồng hồ đã điểm đúng 15 giờ, các đoàn nghệ nhân bắt đầu rời Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai để di chuyển theo cung đường Hoàng Văn Thụ. Những vòng xoang, những nhịp chân trên cà kheo lắc lư theo âm thanh cồng chiêng rộn rã. Người dân Phố núi và khách du lịch tập trung dọc hai bên đường để hòa cùng lễ hội sôi động diễn ra tại Phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai.
|
Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro (Gia Lai) bắt đầu xuất phát. Ảnh: N.T |
14h58 phút: Chia sẻ trước giờ trình diễn, nghệ nhân Trãi (đoàn Mang Yang, tỉnh Gia Lai) bày tỏ: “Mặc dù chúng tôi cũng đã tập luyện, song với thời tiết nắng nóng như thế này mà phải di chuyển và biểu diễn trên đường nhựa, trong khi ai cũng đi chân đất nên chúng tôi có phần lo lắng đến chất lượng của tiết mục. Tuy vậy, cả đoàn đều đang rất phấn khởi và quyết tâm mang đến cho lễ hội những màn trình diễn đặc sắc của người Bahnar Đông Trường Sơn”.
|
Các nghệ nhân háo hức trước giờ trình diễn. Ảnh: Ngọc Thu |
|
Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng tham gia Lễ hội đường phố. Ảnh: Ngọc Thu |
|
Nghệ nhân nữ trong bộ đồ truyền thống rực rỡ. Ảnh: Ngọc Thu |
|
Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro (Gia Lai). Ảnh: T.N |
|
Các đoàn nghệ nhân tập trung đông đủ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai chuẩn bị trình diễn. Ảnh: T.N |
|
Các nghệ nhân nhí đã sẵn sàng tham gia Lễ hội đường phố. Ảnh: Hồng Thi |
|
Hai anh em Đinh Văn Lâm và Đinh Thị Lênh. Ảnh: N.T |
Khuôn viên của Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai đang ngập tràn sắc màu của cờ hoa, trang phục, đạo cụ trình diễn của các dân tộc. 26 đoàn nghệ nhân của 4 tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai đã có mặt tại đây, mang theo nhạc cụ, các mô hình phụ họa… đang sẵn sàng để bắt đầu cho Lễ hội đường phố diễn ra vào lúc 15 giờ.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), người phụ trách hoạt động này, cho biết: Từ 15 giờ đến 17 giờ, các đoàn sẽ diễu hành theo lộ trình: Nhà thiếu nhi tỉnh - đường Hoàng Văn Thụ - đường Trần Phú - đường Trần Hưng Đạo - đường Quang Trung - đường Lê Lợi- đường D1 (Quảng trường Đại Đoàn Kết). Các đoàn sẽ diễu hành, trình diễn nhạc cụ, đi cà kheo, diễn tấu cồng chiêng theo bố cục riêng của mỗi dân tộc, đảm bảo trật tự; khoảng cách giữa hai đoàn là 4-5m.
|
Đoàn nghệ nhân nhí của thị xã Ayun Pa (Gia Lai). Ảnh: N.T |
Anh A Định Hănh-chuyên viên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Trưởng đoàn Nghệ nhân tỉnh Kon Tum-chia sẻ: Đến với Festival tại tỉnh Gia Lai năm nay, đoàn Kon Tum có tổng cộng 34 nghệ nhân tạc tượng, chỉnh chiêng, hát sử thi và đánh cồng chiêng được chọn lựa từ cộng đồng các làng. Để chuẩn bị cho Festival, trong đó có Lễ hội đường phố, chúng tôi đã tập luyện suốt 1 tháng với các bài chiêng như: “Mừng chiến thắng”, “Qua sông”…
Nhóm PV GLO
* Nhấn F5 để liên tục cập nhật