Truân chuyên hạt gạo tám thơm ở Sơ Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Loại gạo tám thơm cao sang, quý giá nổi tiếng cả một vùng quê mặn mòi hương đất phù sa Hải Hậu, Nam Định mấy chục năm nay đã có mặt tại xã Sơ Pai, huyện Kbang. Đó là một niềm vui lớn đối với một vùng đất mới vinh hạnh được giống lúa kén đất bậc nhất bén duyên. Thế nhưng niềm vui chưa tày gang thì nỗi truân chuyên của hạt gạo tám thơm trên đất Sơ Pai đã thành hình.

Lúa tám đã từng được chọn để tiến vua là giống kén đất bậc nhất trong các loại lúa. Tám thơm chỉ ưa đất thịt nhưng tầng canh tác phải sâu, phải là đất phù sa trẻ ít chua, ảnh hưởng mặn tiềm tàng ở tầng dưới. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu ấy các chân ruộng vẫn trồng được lúa tám nhưng không chỉ năng suất thấp mà mùi thơm của nó cũng giảm đi rất nhiều.

 

Bà Lâm đang bón phân đạm Urê cho ruộng lúa tám thơm. Ảnh: Nguyễn Giang
Bà Lâm đang bón phân đạm Urê cho ruộng lúa tám thơm. Ảnh: Nguyễn Giang

Nếu hợp ruộng, lúa tám thơm như một nàng thiếu nữ kiêu hãnh vươn cao vượt xa những giống lúa khác để tích góp cho bằng hết hương trời, hương đất rồi thơm thảo dâng lại hết cho người. Hạt gạo tám thơm thon dài, cơm màu trắng xanh, dẻo, có hương thơm ngào ngạt và vị ngọt rất đậm đà, hàm lượng chất bổ cũng vượt trội hơn hẳn những loại khác.

Những ai đã ăn cơm tám rồi thì chẳng còn thiết gì ăn các loại gạo khác vì thấy nó nhạt mồm nhạt miệng. Vì thế mà hạt lúa tám thơm của quê mẹ đã theo những người con xa quê đi lập nghiệp ở rất nhiều vùng đất mới. Nhưng không phải nơi nào gạo tám cũng chịu bén duyên.

Trên đất Sơ Pai, những người dân của vùng quê Nam Định cũng vì thương nhớ hương vị của gạo tám nên những lần về thăm quê mẹ, họ đã tay xách nách mang những hạt thóc quý giá. Rồi có nhiều nhà đem gieo thử, không ngờ ruộng lúa tám chịu nảy mầm, sinh trưởng tốt. Khi lúa trổ đòng, ruộng lúa tám tỏa mùi thơm ngây ngất làm cho bầu không khí của vùng đất Sơ Pai như được ướp hương.

Rồi những bông lúa vươn cao, vàng ươm, chắc nịch, những hạt thóc đã làm cho những ai dõi theo lúa tám rơi nước mắt vì hạnh phúc. Từ đây, giống lúa tám thơm được các bác nông dân chuyền tay nhau ra đồng ngày càng nhiều. Gạo tám thơm trên đất Sơ Pai cũng có dịp làm mưa làm gió trên thị trường gạo trong tỉnh và thuộc vào loại hàng quý hiếm. Một người bạn cao niên của tôi vẫn cứ tấm tắc mãi: “Về Kbang, chỉ mong kiếm được vài chục cân gạo Sơ Pai để mang lên phố làm quà”.

 

 

Theo ông Lê Văn Tỵ- nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai, nông dân ở đây đã từng khấp khởi vui mừng mơ về một vùng chuyên canh rộng lớn và một thương hiệu gạo Sơ Pai bài bản nhưng xem chừng chưa kịp mơ đã bị đánh thức.

Những “lão nông tri điền” thì không khỏi xót xa. Vì là giống kén đất nên diện tích tám thơm trên đất Sơ Pai không phải là lớn, lại phân tán. Lúa tám dài ngày, thu cuối vụ nên sâu, chuột chim phá hoại, chi phí cao mà năng suất thấp, lợi nhuận không cao bằng thâm canh các giống cây trồng khác nên nhiều nông dân vẫn không thể canh tác. Bởi thế mà giấc mơ về một vùng chuyên canh lúa tám trên đất Sơ Pai vỡ tan khi diện tích chỉ dừng lại ở con số trên dưới 100 ha.

Tìm về vùng đất Sơ Pai khi những cánh đồng bạt ngàn lúa đang ở thì con gái xanh ngát, tôi ngỏ ý hỏi và muốn tìm gặp người đầu tiên đã mang giống lúa quý này vào đất Sơ Pai ươm mầm, các bác nông dân đều bảo: Giờ để tìm được người đầu tiên mang tám thơm vào thì khó vì ở đây, cứ hễ ai là con của quê lúa Nam Định mỗi lần về thăm quê đều mang ít lúa giống vào.

 

“Tám thơm chỉ khoái đất ruộng Sơ Pai thôi, mang qua những vùng lân cận như Sơn Lang hay Đak Smar cũng đâu có chịu ở. Thế nên người ta mới gọi tám thơm là gạo Sơ Pai”- ông Lê Văn Tỵ-nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai nói.

Một bác nông dân cũng thuộc vào hàng “lão nông tri điền” nói: “Giờ nhiều nhà cũng đành chấp nhận bỏ tám thơm vì giống bị thoái hóa nên năng suất thấp, sâu bệnh nhiều mà chất lượng gạo bây giờ cũng chẳng còn được như xưa!”. Nói rồi, các bác chỉ cho tôi tới ruộng nhà bà Nguyễn Thị Lâm ở thôn 2 vì nhà bà vẫn duy trì 1 ha giống lúa tám. Tôi băng qua những cánh đồng rồi cuối cùng bắt gặp một người phụ nữ dáng người nhỏ thó đang lội dưới ruộng với chiếc thúng bên hông, tay vốc từng nắm phân đạm Urê quăng đều xuống ruộng lúa cằn cỗi, nhiều lá đã úa vàng. Bà Lâm kể về nỗi truân chuyên của tám thơm trên đất Sơ Pai như kể về nỗi truân chuyên của đời bà.   

Đã gần 20 năm chung thủy với giống lúa tám trên đất Sơ Pai, bà Lâm hiểu giống lúa cày như hiểu chính mình đang muốn ăn cái gì khi đói. Theo bà, lúa tám thơm ưa cấy thưa để được “hít” cho đẫy nắng, đẫy gió và thích được bón lót bởi xác tôm cua cá ốc chết nóng, phân xanh, phân chuồng nên lúa khỏe vàng thân, vàng lá, sẫm hạt chứ không dùng phân đạm, thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc diệt cỏ.

Nếu không đáp ứng được những mong muốn ấy thì hạt cơm không còn thơm ngon. Bởi vậy mà không phải ai cũng làm được lúa tám. Do đó diện tích lúa tám trên đất Sơ Pai không lớn. Nhà nào đã lỡ trót đem lòng mê giống này thì chấp nhận không chạy theo số lượng mà phải chú trọng chất lượng. Lúa phải thu khi vừa chín được tám phần chứ không thu già. Năng suất thấp thật đấy nhưng hương thơm vừa ở đỉnh điểm, hạt gạo trắng xanh ăn ngọt và mềm.

Bà Lâm ngậm ngùi: “Vì gạo tám ít, lại được giá, lúc nào cung cũng vượt cầu nên nhiều thương lái đã trộn nhiều loại gạo khác vào làm mất đi nhiều hương vị”. Cũng theo bà Lâm, bản thân tám thơm không lai tạo với bất kỳ một giống lúa nào khác vì phải cấy trước gặt sau. Thêm nữa là giống tám thơm truyền thống không được lưu giữ và phát triển những gen quý. Nông dân cứ lấy lúa mùa này làm giống cho mùa sau nên lâu dần giống bị thoái hóa, sâu bệnh nhiều và năng suất giảm dần.

Có muốn thì cũng không thể trồng mãi giống lúa đã già cỗi nên đành chấp nhận làm giống lúa mới có tên bắc thơm mua ở các đại lý ở thị trấn Kbang. Giống này là giống tám thơm mới ngắn ngày, năng suất cao nhưng tiếc thay về chất lượng thì kém hẳn. Trong điều kiện canh tác hiện nay, nông dân phải thay thế bằng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Chiều muộn, tôi rời ruộng lúa của bà Lâm và đi dạo trên cánh đồng buôn Lưới rộng lớn-nơi đã từng được đặt hy vọng về một vùng chuyên canh lúa tám thơm trên đất Sơ Pai. Giờ đây, cánh đồng này đã được nông dân canh tác đủ các loại lúa RVT, Kháng Thông, lúa nếp... Một nỗi buồn miên man dài rộng chạy theo những vạt lúa xanh màu khi tôi buộc phải tin rằng giấc mơ về một thương hiệu lúa Sơ Pai cho đến bây giờ đã thực sự bị đánh cắp!

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.