Trong những ngọn gió hòa bình…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm tháng qua đi, những ngọn gió hòa bình đã thổi trên khắp đất nước này trong gần 40 năm qua, nhưng niềm thương nhớ của từng gia đình dành cho những người thân đã ngã xuống vì Tổ quốc vẫn chưa lúc nào nguôi.

.



1. Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai (Gia Lai) một trưa tháng 4. Từ cách đây đến nửa vòng trái đất, vợ chồng ông Đinh Văn Hồng và bà Võ Thị Tùng, nay đã cận kề tuổi 70, vẫn cùng người thân thành kính đến thắp nén hương cho một liệt sĩ. Đó là Liệt sĩ Võ Trung, quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Bà Tùng trầm ngâm kể: “Chú Trung là chú ruột của tôi. Cha tôi mất sớm, mẹ đi bước nữa, tôi về ở với chú thím từ hồi 4-5 tuổi, xem chú như cha. Khi tôi khoảng 7-8 tuổi thì chú đi bộ đội rồi hy sinh. Lúc tôi lấy chồng, chính thím là người đứng ra gả chồng cho tôi...”.
 

Trở về từ nước Mỹ xa xôi, ông Đinh Văn Hồng (trái) và người thân vẫn dành thời gian đến thăm mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Duyên
Trở về từ nước Mỹ xa xôi, ông Đinh Văn Hồng (trái) và người thân vẫn dành thời gian đến thăm mộ liệt sỹ Trung tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Duyên

Trong trí nhớ còn non nớt ngày ấy của bà Tùng, chú Trung như một người cha hiền lành, thương đứa cháu côi cút như con đẻ. Ân tình ấy đã khiến bà hầu như lần nào từ Mỹ trở về thăm quê hương Bình Định cũng cố gắng sắp xếp một chuyến lên Gia Lai thăm chú. “Kiếm thật nhiều tiền rồi cũng chỉ để trở về thăm quê, thăm mồ mả ông bà thôi cháu ạ!”- ông Hồng và bà Tùng kể về niềm nhung nhớ quê nhà nơi đất khách.

Với nỗ lực tìm kiếm không mỏi mệt của gia đình từ nhiều năm trước, nơi yên nghỉ của Liệt sĩ Võ Trung giờ đây may mắn trở thành một trong số ít ỏi những ngôi mộ đã được “trả lại tên” trong khu mộ của những liệt sĩ vô danh. Vẫn còn đó hàng hàng bia đá cũ càng, như từng câu hỏi chưa lời đáp xoáy vào lòng người về thân phận lặng lẽ của những người rất trẻ đã chiến đấu cho hòa bình.

2. Cùng lúc, chúng tôi tình cờ gặp một gia đình khác đang đi tìm mộ người thân tại đây. Từ Hà Nội, ông Lê Văn Phan, nay đã ngoài 70, là người tổ chức và xốc lại cả gia đình để kiếm tìm người em trai là Liệt sĩ Lê Ngọc Châu, quê Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, sinh năm 1944, hy sinh ngày 28-5-1966 tại Mặt trận phía Nam. Mặt trận phía Nam- một thông tin thật đáng quý nhưng cũng mênh mông quá. Từ Sài Gòn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, anh em con cháu gia đình ông cùng lặn lội kiếm tìm khắp các tỉnh phía Nam bằng những chỉ dẫn từ tư liệu thực tế cũng như những câu chuyện nhuốm màu tâm linh.

Cuối cùng, họ khấp khởi tập trung về Gia Lai, nơi mà sau nhiều năm đi kiếm tìm từng thông tin nhỏ nhất, mọi tín hiệu đều chỉ về một hướng. Ông Phan đưa chúng tôi xem một tài liệu quý mà ông phải rất vất vả mới tìm được, đó là cuốn sổ tay của một cán bộ ở Trung đoàn 66- Sư đoàn 10, trong đó có ghi rõ danh sách những liệt sĩ của Trung đoàn đã hy sinh qua từng ngày. Những dòng chữ viết tay của người cán bộ (sau đó cũng đã hy sinh) khẳng định, Liệt sĩ Lê Ngọc Châu hy sinh và được an táng tại trận địa bãi Pi Dốt, Chư Pah, Gia Lai vào ngày 28-5-1966.

 

Ông Lê Văn Phan (phải) cùng gia đình và niềm mong mỏi tìm được mộ người em trai sau gần 40 năm hòa bình. Ảnh: Phương Duyên
Ông Lê Văn Phan (phải) cùng gia đình và niềm mong mỏi tìm được mộ người em trai sau gần 40 năm hòa bình. Ảnh: Phương Duyên

Cái nắng trưa xuyên qua tàng lá, rọi xuống gương mặt ông Lê Văn Phan một tâm tư khó tả: Vừa sáng lên vẻ mừng vui khi tìm đến được nghĩa trang này, vừa hằn sâu tất cả những rã rời, khó nhọc của bao nhiêu năm đổ công sức đi tìm những gì còn lại của thân xác người em trai mà lúc hy sinh chỉ vừa tròn 22 tuổi. “Có lẽ chú ấy giận vì không đi tìm chú ấy sớm hơn. Nhưng những ngày hòa bình mới lập lại, cuộc sống khó khăn quá, chúng tôi thật sự không có điều kiện”- ông Phan phân bua với chúng tôi, và có lẽ cũng là với người em đang lẩn khuất đâu đó. Cạnh ông, đứa cháu trai đang cặm cụi vẽ lại sơ đồ từng nấm mộ ở nghĩa trang, chờ đợi sự chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm để tìm ra nơi yên nghỉ của Liệt sĩ Châu trong số gần 200 ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang vùng biên này. Hy vọng thật mong manh, nhưng dù sao cũng là hy vọng.

Nhiều ngày sau, qua điện thoại, chị Trần Thị Hải- cháu ruột của Liệt sĩ Châu, hiện đang sống tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai)- cho biết, vì nhiều nguồn thông tin cùng chỉ về một ngôi mộ nên gia đình chị đã xin phép Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai lấy mẫu xương ở ngôi mộ này để xét nghiệm ADN, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vậy là, đến 30-4 này, gần 40 năm kể từ ngày đất nước im tiếng súng, Liệt sĩ Lê Ngọc Châu vẫn chưa được đoàn tụ cùng gia đình.

Và, giờ này đây, vẫn còn hàng triệu liệt sĩ khác cũng đang nằm lại đâu đó trong đất lạnh. Hai từ “đoàn tụ” vẫn cứ mãi là mong mỏi của biết bao gia đình… Máu của các anh đã đổ xuống vì độc lập cho Tổ quốc. Mồ hôi và nước mắt của bao người thân và đồng đội cũng đã rơi trên khắp đất này để kiếm tìm các anh, không ngừng nghỉ. Những cuộc kiếm tìm ấy sẽ còn rất dài, rất lâu và gian khó, nhưng các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi đó là ân tình được đong bằng xương máu…

Phương Duyên
 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.