Có lẽ Rơ Mah H’Nin là gương thanh niên tiêu biểu duy nhất-tính đến thời điểm hiện tại-đại diện cho thanh niên các dân tộc trong tỉnh Gia Lai tham gia nhiều diễn đàn dành cho thanh niên thế giới tại các quốc gia đến vậy. Song, đó không phải là sự ngẫu nhiên...
Tinh thần tự lập
Sinh ra ở làng Athai, xã Ia Sol (huyện Phú Thiện), tới hết lớp 9, H’Nin chưa đi ra khỏi làng. Vốn là người tự lập và bướng bỉnh, H’Nin quyết định một mình lên Kon Tum tiếp tục học cấp III trong khi các bạn đồng trang lứa đều sớm bỏ trường, bỏ lớp theo cha mẹ lên rẫy hoặc bắt chồng. Đó là chuyến đi xa đầu đời, cũng là chuyến đi để thỏa khát vọng tìm hiểu thế giới bên ngoài. Với dân làng, H’Nin như một đứa con nổi loạn, cứng đầu. Hơn nữa, gia đình H’Nin khi ấy rất khó khăn.
Rơ Mah H’Nin (thứ ba phải sang) chụp hình với bạn bè quốc tế tại Nam Phi. |
Những lần dấn thấn ấy, H’Nin hiểu, giúp được thanh niên bằng cách tham mưu cho Đảng, chính quyền tổ chức các hoạt động về tận cơ sở như chính sách vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… H’Nin còn góp phần kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng trường học cho trẻ em nghèo vùng sâu, xây nhiều nhà nhân ái cho cán bộ Đoàn có hoàn cảnh khó khăn, vận động cứu trợ kịp thời cho nhân dân vùng lũ…
Trưởng thành từ Đoàn
Đôi lần nghe H’Nin trò chuyện, giao lưu với thanh niên địa phương, tôi mới hiểu vì sao, đi tới đâu, chị cũng được mọi người nhắc nhớ. Tự nhiên H’Nin bộc lộ, “truyền nhiệt” tới mọi người, những vấn đề tưởng khô cứng bỗng trở nên cuốn hút sự chú ý của mọi người.
H’Nin cũng là gương thanh niên tiêu biểu duy nhất của tỉnh tham gia nhiều diễn đàn dành cho thanh niên thế giới, như: Giao lưu thanh niên các nước ASEAN tại Nhật Bản (2001), Liên hoan Thanh niên Việt-Trung tại Trung Quốc (2008), Festival Thanh niên thế giới tại Nam Phi (2010). H’Nin chia sẻ: “Lần tới Nam Phi vừa rồi, khi chúng tôi vừa phất cờ Việt Nam thì bạn bè trên thế giới đồng thanh hát “Việt Nam, Hồ Chí Minh!” khiến chúng tôi bật khóc vì tự hào và sung sướng. So với các đoàn khác, đoàn Việt Nam lúc nào cũng nổi bật với màu áo Đoàn truyền thống, hoặc áo dài khăn đóng, áo xanh bộ đội hay áo bà ba, áo dài… Riêng tôi rất tự hào vì người bản địa Tây Nguyên có bề dày văn hóa truyền thống và tôi đã giới thiệu được một phần nét đẹp đó trong những chuyến giao lưu quốc tế qua trang phục truyền thống, qua những ca khúc về Tây Nguyên…”.
Những chuyến đi giúp H’Nin thêm nhiều kinh nghiệm và học hỏi nhiều điều hay để hoàn thiện mình trong vai trò một thủ lĩnh. Chị cho hay: “Thanh niên Nhật rất nhanh nhẹn, xử lý công việc một cách khoa học và nhất là văn hóa ứng xử “kính trên nhường dưới” rất đáng để chúng ta học tập. Thanh niên Nam Phi lại cho tôi thấy, cần phải nhiệt thành và đam mê hơn với hoạt động phong trào”.
Góc riêng
Đoàn cũng chính là “ông tơ bà nguyệt” cho tổ ấm của chị. Chồng chị vốn là một cán bộ Đoàn trong trường đại học. Chung niềm đam mê với hoạt động phong trào dễ dàng gắn kết hai tâm hồn. Đoàn mang lại cho H’Nin một gia đình ấm cúng, hạnh phúc thì cũng lắm phen gây “sóng gió” cho cuộc sống riêng bởi chị dành thời gian cho công tác xã hội nhiều hơn cho gia đình. H’Nin trải lòng: “Nếu không hy sinh thì không thể làm tốt công việc của người “vác tù và…”. Vẫn biết là người phụ nữ thì phải quan tâm, chăm sóc gia đình, nhưng mình có cách để “làm lành” với ông xã, giận vợ nhưng vẫn ngầm ủng hộ bằng cách của riêng mình”.
17 năm gắn bó với thanh niên, hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh- H’Nin tự hào nhưng cũng thấm thía nỗi khó khăn, vất vả của cán bộ Đoàn. Nhưng chưa bao giờ chị ân hận con đường mình đã chọn. Ngược lại, chị tiếp tục phấn đấu vươn lên. Cô con gái đang học lớp 6 Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) tham gia nhiều phong trào của Đội, hiện là hạt nhân trong đội văn nghệ của trường.
Chị nói: “Mình hy vọng con gái sẽ trở thành một thủ lĩnh Đoàn tương lai. Mình dạy con học tiếng Jrai từ bé, để sau này thành cán bộ Đoàn, về làng còn biết trò chuyện với thanh niên, với bà con”.
Hoàng Ngọc