Trở lại ngôi làng bị 'lời nguyền' 10 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cả nước sôi sục chống COVID-19, chúng tôi trở lại làng Rêu giữa trùng núi. Ngôi làng 10 năm trước từng chìm trong bệnh tật, sợ hãi và bị cho là 'chịu lời nguyền chết chóc' với nhiều người qua đời kỳ lạ.
Những đứa trẻ làng Rêu lớn lên trong yên ấm và không còn nỗi sợ mang tên “bệnh lạ”... Ảnh: T.MAI
Những đứa trẻ làng Rêu lớn lên trong yên ấm và không còn nỗi sợ mang tên “bệnh lạ”... Ảnh: T.MAI
Xế chiều, sau cung đường dài, chúng tôi đã đến làng Rêu (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Ở quán nước đầu xã, nhiều người dân đang râm ran bàn tán về COVID-19...
“Tôi chỉ may mắn được một nửa, năm đó nhà tôi có đến sáu người bệnh, năm người được chữa khỏi, còn thằng con trai độc đinh lại theo Yàng.
Ông Phạm Văn Lót
Những ngày sợ hãi
Cách trở giữa núi rừng, người H’rê vẫn lo dịch bệnh. Có lẽ vì từng hứng chịu hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân làm nhiều người chết, dân làng rất cảnh giác với "bệnh lạ".
Cuộc bàn tán về đại dịch COVID-19 vào tận phòng anh Nguyễn Anh Khoa (35 tuổi), chủ tịch UBND xã Ba Điền. Gặp người quen, Khoa vui vẻ: "Chờ tí nghen. Tôi bàn chuyện phòng chống COVID để mai còn đi dặn dò bà con".
Người H’rê ở đây rất tin Khoa, bởi lúc "bệnh lạ" hoành hành, chàng trai phố thị xung phong lên Ba Điền mà không có chút do dự. 
Già làng Phạm Văn Đang từng kể về Khoa bằng câu chuyện hài hước: "Phó chủ tịch xã trước thằng Khoa có "nhiệm kỳ" ngắn nhất, lên mấy ngày thấy bệnh lạ sợ quá bỏ chạy luôn. Chỉ có thằng Khoa dám lên, dám ở lại ăn ngủ với dân đến hết bệnh lạ".
Bây giờ, anh Khoa đã chuyển hộ khẩu lên Ba Điền, trở thành công dân chính thức của vùng đất thăm thẳm giữa rừng già. Xong việc, anh tâm sự: "Nghĩ mà thương y bác sĩ đang vật lộn chống dịch COVID-19. Hồi bị bệnh lạ, tôi vẫn nhớ y bác sĩ cực khổ thế nào". 
Thế rồi, những ngày xưa cũ ùa về. Lúc đó Khoa còn rất trẻ, đến Ba Điền với nhiệt huyết và lời hứa sẽ ở lại Ba Điền đến khi nào hết bệnh.
Thực hiện lời hứa, Khoa tìm hiểu những người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân mà khi đó chỉ có cái tên "bệnh lạ" với 264 người mắc phải, 24 người chết. Tâm bệnh là làng Rêu. 
"Những ngày ám ảnh, tháng nào cũng có người chết. Người làng sợ, đóng chặt cửa. Chúng tôi phải khiêng người ốm vượt suối V’ranh đi chữa trị. Rồi đào huyệt, mua quan tài chôn người chết. Nói thật, hồi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản, người làng còn sống được mình sống được" - Khoa tâm tình.
Đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới. Ở Trạm y tế Ba Điền giữa trùng núi, con virus như cũng phảng phất. Nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt đều được chuẩn bị. 
Ông Phạm Văn Út - phó trạm trưởng trạm y tế Ba Điền - ngồi ở cái bàn tròn được lập ngay trước trạm đã ba tháng nay để giải đáp thắc mắc về bệnh viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm.
Thời điểm bùng phát "bệnh lạ" 10 năm trước, ông Út chính là y sĩ dẫn đường cho các chuyên gia. Cuốn sổ xỉn màu đầy đủ tên tuổi người "dính" bệnh lạ ở trạm y tế bây giờ có công sức của y sĩ Út ngày đó ghi chép, báo về.
Chỉ khoảnh đất trống bên cạnh UBND xã, ông Út kể đó từng là bản doanh của nhiều đoàn chuyên gia đến "bắt bệnh". Viện Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn đến đầu tiên. 
Ông Út dẫn đi bẫy chuột, bắt bọ... "Lọ mọ cả đêm, tôi đi nhiều nhất với anh Trần Thanh Hùng (Viện Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn) lấy nước, lấy gạo, bắt chuột... Mấy anh bảo gì làm nấy. Lúc đó người chết nhiều quá nên ai cũng nóng lòng tìm căn nguyên" - ông Út kể.
Anh Đết đã vượt qua nỗi đau, có cho mình một tổ ấm mới. Trong ảnh: anh Đết, mẹ vợ và các con - Ảnh: T.MAI
Anh Đết đã vượt qua nỗi đau, có cho mình một tổ ấm mới. Trong ảnh: anh Đết, mẹ vợ và các con - Ảnh: T.MAI
Vượt qua nỗi đau
Hôm nay, xe máy bon bon trên đường bêtông qua cánh đồng đang mùa gặt. Khi "bệnh lạ" xảy ra năm ấy, người H’rê ở đây vẫn giữ tập tục gặt lúa cất vào kho, khi nào xay gạo mới mang ra phơi, thế là ăn gạo mốc suốt. 
Khi các chuyên gia kết luận nguyên nhân bệnh từ gạo mốc, chính quyền ra sức tuyên truyền và tập quán bao đời bị xóa bỏ từ đó.
Chiếc xe vượt suối V’ranh vào làng trên chiếc cầu treo vững chắc, anh cán bộ xã tên Phạm Văn Đết kể rằng cầu được làm cách đây hai năm, làng Rêu bị cách ngăn bởi con suối được nối liền. Những ngôi nhà xây khang trang chẳng khác gì dưới xuôi vây lấy thung lũng dưới chân núi Gò Khế.
Anh Đết dừng xe trước căn nhà bề thế, phía hiên nhà một bà cụ đang nhặt rau, trên lưng địu đứa bé ngủ ngon lành. 
Cạnh đó, một bé gái đang chơi đùa cùng chiếc xe bằng gỗ. Đó là gia đình mới của anh Đết. "Nhà tôi đấy, mới xây hết 170 triệu đồng. Nhà cũ sau khi vợ con mất, tôi bỏ luôn rồi. Ở đó, cứ nhớ chuyện cũ mãi" - anh Đết nói.
Đầu năm 2010, bé Phạm Văn Sâm - con anh Đết - đón sinh nhật lần thứ ba với những vết phù nề, lở loét khắp cơ thể. Cháu yếu dần, thầy cúng không ngăn được bệnh. Anh Đết cùng vợ đưa con đi bệnh viện lúc bệnh trở nặng. 
Tháng 10-2010, bé Sâm không qua khỏi, đó cũng là khởi đầu "bệnh lạ - lời nguyền chết chóc" ở làng Rêu.
Những cái chết của bà con cứ ập đến, thách thức cả ngành y tế. Khi căn nguyên "bệnh lạ" được tìm ra, anh Đết lại đón nhận nỗi đau vợ mình cũng qua đời vì "bệnh lạ". "Con mất đầu tiên, vợ tôi mất cuối cùng vì căn bệnh này" - anh Đết trầm giọng. 
Ngày tháng ngập nỗi buồn của anh chỉ kết thúc khi cô giáo mầm non Phạm Thị Trang đến. Năm 2014, họ về chung một nhà, có với nhau hai mặt con.
Rời nhà Đết, chúng tôi lại bon bon trên đường bêtông được người dân đặt "Đường anh Khoa", cách người H’rê cảm ơn chàng chủ tịch xã vận động dân hiến đất làm đường. Đang đi bắt gặp ông lão Phạm Văn Lót lững thững dẫn trâu về chuồng. 
Ông Lót từng là "ảnh bìa" trong tất cả pano, tờ rơi tuyên truyền "bệnh lạ" một thời. Nói vậy để thấy bệnh của ông từng nặng đến mức nào. Thế mà bây giờ ông Lót khỏe mạnh, chỉ có những vết lỗ chỗ trên da mặt, da tay như tổ ong "tố giác" ông từng là bệnh nhân.
Chiều buông nhanh, trên đường làng những phụ nữ đang quét dọn, đốt rác. Người làng Rêu đã sống vệ sinh, chẳng còn cảnh gia súc sống chung với người nữa. 
Anh Đết đưa chúng tôi trở lại nhà ông Phạm Văn Tiếng (65 tuổi), đây từng là ổ bệnh với gần chục người xuất hiện triệu chứng. Ông Tiếng chỉ đứa cháu ngoại tên Hạ (10 tuổi) bảo: "Mẹ nó bệnh mất năm 2012. Con bé học giỏi lắm. Nhà tôi nhiều người bị bệnh, chỉ có một người mất".
Vượt qua nỗi đau, người làng Rêu đang đổi thay...
24 người chết.
264 người bị mắc bệnh ở Ba Điền 10 năm trước.
Cầu làng Rêu nối suối V’ranh đem sức sống mới đến cho người dân miền núi - Ảnh: T.M.
Cầu làng Rêu nối suối V’ranh đem sức sống mới đến cho người dân miền núi - Ảnh: T.M.
Làng Rêu dù không bứt phá lên mạnh mẽ bởi còn nhiều cách trở, nhưng đổi thay đã thấy từng ngày. Rời khỏi làng Rêu sau khi dự lễ kết nạp đảng viên mới cho anh Phạm Văn Tra - người cũng từng đau khổ chứng kiến con mình lìa trần vì "bệnh lạ".
Anh Khoa tiễn chúng tôi ra tận đường lớn với lời chia sẻ chân tình: "Tôi vẫn nhiệt huyết như lúc mới lên Ba Điền, và còn nhiều dự tính cho vùng đất này".
TRẦN MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.