Trở lại mưu sinh: Sẽ phải làm gì để không ai bị bỏ rơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều chuyên gia cho rằng về lâu dài, với sự phát triển đô thị, TP.HCM cần hoạch định chiến lược cụ thể về an sinh xã hội.
Trong đó, quan trọng nhất vẫn là quy hoạch, phát triển đô thị bao gồm tính toán chu toàn cho cả người lao động nhập cư.
Bài học từ dòng người di cư “ngược”
Ngày 30.9, khi sắp bước vào thời khắc “bình thường mới”, TP.HCM đã chứng kiến điều chưa có tiền lệ: Dòng người lũ lượt với đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe, xếp hàng chờ xin qua chốt kiểm soát dịch để về quê.
Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), gọi làn sóng về quê này là cuộc di cư “ngược” và lý do phần lớn là vì người lao động (NLĐ) đã kiệt quệ khi mất đường sinh kế do dịch bệnh, giãn cách.

Người dân chờ trước chốt kiểm soát dịch qua địa bàn TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) để về quê ngày 30.9. Ảnh: Trần Kha
Người dân chờ trước chốt kiểm soát dịch qua địa bàn TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) để về quê ngày 30.9. Ảnh: Trần Kha
“Đa số NLĐ là công nhân hay làm nghề tự do khi nhập cư vào TP.HCM có mong muốn cải thiện thu nhập, đời sống và muốn làm việc lâu dài. Trước đây, ngay cả thời kỳ khó khăn, họ vẫn có thể trụ lại đây làm việc, vừa trang trải các dịch vụ xã hội, vừa có thể gửi tiền về quê. Nhưng nay, với làn sóng người về quê, chúng ta đã có nhận thức rõ hơn về sự tích lũy của NLĐ”, ông Thành nói và phân tích thêm: “Trước đây, đến TP.HCM chủ yếu là cá nhân, người độc thân, nhưng nay số lượng NLĐ kèm theo gia đình của họ đến ngày càng lớn. Vì vậy, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như học hành cho con em, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí... tăng theo. Dịch giã, giãn cách kéo dài, khi không thỏa mãn được nhu cầu cuộc sống thì NLĐ ra đi”.
Trong khi đó, các gói an sinh xã hội của TP.HCM chưa “đủ lực” để NLĐ trang trải, cũng như không giải quyết được triệt để chuyện họ ở lại chờ tới khi hết dịch.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc người dân về quê là cơ hội để các tỉnh, thành tái bố trí lao động. Tuy nhiên, theo ông Thành, người dân tìm kiếm việc làm tại địa phương rất khó. Người dân, nhất là lao động tự do, có thể tiếp tục rời quê lần nữa, nhưng lần này ra đi với tâm thế còn nhiều trở ngại như về vật chất, vắc xin, việc làm...
“Tôi tin chính quyền TP.HCM cần tiếp tục nhận thấy rằng bất kỳ NLĐ nào cũng đang đóng góp vào nhu cầu của TP.HCM. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ xem NLĐ nhập cư ở mức chấp nhận, mà phải là cần thiết. Nhà nước phải tính toán để NLĐ trở lại. Ví dụ, có thể tạo điều kiện để doanh nghiệp tổ chức đón NLĐ; có phương án cụ thể để giải quyết những vấn đề về nhà ở, học hành của con em họ...”, ông Thành nêu ý kiến.
Theo đề xuất của một số chuyên gia, vấn đề quan trọng trước mắt cần đặt ra trong an sinh xã hội của NLĐ, chính là nhà ở: Một chỗ ở an toàn, đủ chất lượng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19... Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy một khi người dân tạm trú vào thành phố thì điều đặt ra là họ ở đâu.
“Tới đây, người dân quay trở lại TP.HCM có thể sẽ ở chỗ cũ. Vậy thì những khu đó cần được củng cố như thế nào? Nó cần có sự quản lý chặt chẽ hơn, thương lượng với các chủ trọ để làm sao cho chất lượng ở các khu nhà trọ nâng lên, đảm bảo vệ sinh, 5K... Song song đó, cần rà soát lại việc quản lý nhà nước về lao động, dân cư, vốn là tiền đề để thực hiện các chính sách hỗ trợ”, ông Thành nói.

Trung tâm an sinh TP.HCM hỗ trợ người dân khó khăn trong thời gian giãn cách. Ảnh: Thu Duyên
Trung tâm an sinh TP.HCM hỗ trợ người dân khó khăn trong thời gian giãn cách. Ảnh: Thu Duyên
Mã số an sinh cho người lao động phi chính thức ?
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife), nhận định an sinh xã hội không đơn thuần chỉ là gói hỗ trợ, vì số tiền này không thấm vào đâu để NLĐ trang trải.
Ông Lộc nêu đề nghị, thời gian tới, về tổng thể, việc phát triển, quy hoạch và thiết kế đô thị, bên cạnh hạ tầng về vật chất, TP.HCM phải quan tâm xây dựng hạ tầng phúc lợi, và các hạ tầng phải tính đến NLĐ nhập cư. Khi có “thiết chế cứng” rồi, cần có “thiết chế mềm”, tức là giúp người dân thực hành tập quán cư trú trong điều kiện mới.
“Ví dụ về tập quán cư trú, người di cư có xu hướng tái sản xuất không gian cư trú ở miền quê của họ thành một không gian mới như ở các xóm trọ, khu lưu trú tập trung những người đồng hương... Hay, một căn nhà trọ là mô hình thu nhỏ của ngôi nhà; trong phòng của họ chứa luôn chiếc xe máy... Nay, cần phải thay đổi nó, một nhà trọ phải phân khu chức năng, có nhà để xe riêng, có bếp chung liền nhau để đảm bảo cháy nổ... Các khu dân cư phải tính toán các thiết chế dịch vụ, phúc lợi, về y tế, trường học. Khi có những thiết chế này rồi thì ta phải giúp họ thực hành, thay đổi”, ông Lộc nêu.
Câu chuyện hạ tầng dữ liệu dân cư cũng được ông Lộc nêu ra. Theo đó, quản lý một đô thị cần dữ liệu dân cư; dữ liệu này dành cho mục đích quản lý rủi ro hay để chính quyền hỗ trợ.
“Ở nhiều quốc gia, khi người dân tới phải đăng ký mã số an sinh xã hội, đi làm phải đóng thuế và khi có vấn đề gì thì cơ quan an sinh hỗ trợ. Với xu hướng lao động dịch vụ, phi chính thức ngày càng tăng, chưa kể là lao động dưới dạng “hợp đồng dịch vụ” trên nền tảng công nghệ hiện nay, có thể thấy, lâu dài, để kiến tạo đô thị, TP.HCM cần xây dựng một hạ tầng hoàn chỉnh về dữ liệu dân cư, không phải chỉ riêng phục vụ cho việc an ninh trật tự mà là cho an sinh xã hội, với những cam kết rõ ràng để tránh lo ngại về an toàn dữ liệu cá nhân”, ông Lộc đề xuất.
Tiếp đó, TP.HCM cần hình thành cơ chế quản lý mã số an sinh xã hội cho NLĐ phi chính thức, để thông qua đó có những gói bảo hiểm y tế, xã hội tự nguyện... cho họ. Nếu người dân khó khăn, thiếu hụt chi tiêu, thu nhập nằm dưới ngưỡng mức sống tối thiểu, thì có thể nhà nước sẽ trích ngân sách hoặc huy động từ xã hội theo quy định của pháp luật để hỗ trợ.
“Ta cần một cơ chế đủ phủ rộng để không ai bị bỏ rơi, đồng thời đòi hỏi một số điều kiện với người tham gia như sống và làm việc lâu dài”, ông Lộc nói.
Triển vọng của trung tâm an sinh TP.HCM
An sinh xã hội là hệ thống chính sách, chương trình được thực hiện nhằm bảo đảm cho người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập; các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu như giáo dục, y tế, nhà ở... Hệ thống an sinh xã hội tại VN có 4 trụ cột chính: việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho các khoản đặc thù và dịch vụ xã hội cơ bản.
Tại TP.HCM, bên cạnh gói hỗ trợ Covid-19 từ ngân sách, còn có gói hỗ trợ bằng các túi an sinh của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19 (gọi là Trung tâm an sinh TP.HCM).
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, Phó giám đốc Trung tâm an sinh TP.HCM, cho hay đơn vị hiện nay chỉ gồm các thành viên kiêm nhiệm, các cơ quan cơ cấu vào đây là các sở, ngành như Sở Công thương, Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động, các tổ chức chính trị - xã hội... chứ không có lực lượng chính.
Hiện Trung tâm an sinh TP.HCM đang xin chủ trương, ý kiến thành lập mô hình mới, đáp ứng nhu cầu mới, không chỉ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà còn hỗ trợ người dân khi họ gặp khó khăn, cấp thiết. Đồng thời, xây dựng bộ máy hoạt động bài bản hơn, xuyên suốt, liên tục, giống như là “cánh tay nối dài” của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đến người dân khó khăn.
“Về lâu dài, chúng tôi mong muốn cung cấp một hệ thống an sinh bền vững hơn cho người dân khi có yêu cầu”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, thời gian này trung tâm đang hỗ trợ các túi an sinh, phối hợp các đơn vị phát triển ứng dụng an sinh, tổ chức chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” với chủ đề “Triệu người có giúp nhiều người khó” với những gói hỗ trợ là túi an sinh; chi phí điện, nước. “Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ là kênh tương tác trực tiếp, kết nối trao - nhận hỗ trợ dưới sự giám sát và điều phối của trung tâm”, ông Tuấn nói.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.