(GLO)- Chúng tôi về thôn Kon Cheo (thị trấn Đak Tô, huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum), nơi từng được chọn làm mô hình xây dựng tập đoàn sản xuất của tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) giữa những ngày tháng 4 lịch sử. Điều ngạc nhiên đối với chúng tôi là hạn hán dường như không hề chạm tới cánh đồng lúa rộng hàng chục ha ở hai bên dòng Đak Tơ Kan của thôn.
Gặp người đàn ông đang điều chỉnh van khóa nước trên đập thủy lợi, ông ta nói rằng mình được giao nhiệm vụ điều tiết nước vào tận ruộng cho dân, sáng cánh đồng trên, chiều cánh đồng dưới, đảm bảo ruộng nào cũng đủ nước, không thừa, không thiếu, không để lãng phí. Nghe chúng tôi hỏi về ông Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất thôn Kon Cheo năm xưa, người đàn ông cười và chỉ vào ngực mình:
- Mình là A Ri Năng, Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất thôn Kon Cheo đây. Mình đã 56 tuổi rồi.
- Còn bây giờ ông làm gì?
- Trưởng thôn. Hết Tập đoàn trưởng đến Trưởng thôn, liên tục từ năm 1984 đến nay, không nghỉ.
Ảnh: Lê Văn Thiềng |
Đúng là vận may. Tưởng là khó tìm hóa ra dễ gặp. Lại gặp ngay trên công trình thủy lợi và thấy được ông A Ri Năng đang làm. Chúng tôi cùng nhau lên ngồi dưới bóng cây ven đường nhìn bao quát cả cánh đồng lúa, giữa cánh đồng là con đường bê tông vượt qua cây cầu sắt thẳng về thôn Kon Cheo rợp bóng cây, đẹp như tranh vẽ. A Ri Năng kể:
- Thôn mình thành lập tập đoàn sản xuất năm 1984. Hôm đó đích thân chú Ba Năng-Bí thư Huyện ủy về họp với dân, nói rằng dân làng đói khổ là do làm ăn riêng lẻ, không có sức mạnh, phát nương làm rẫy, mỗi năm một vụ, lúa bắp không được bón phân, nhổ cỏ, trừ sâu nên ít hạt, bị đói. Vào tập đoàn sản xuất có cái lợi là cái ruộng, cái rẫy chung, nhiều người cùng làm, bỏ rẫy xa, làm ruộng gần, mùa khô cũng trồng được lúa nhờ cái ruộng có mương dẫn nước. Vào tập đoàn sản xuất, cái lúa, cái bắp, con trâu, con bò, con heo nhiều hơn.
Hôm sau, A Ri Năng cùng 5 người khác trong thôn được ngồi ô tô của huyện đi tới 10 ngày thăm hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh rồi sang cả Đak Lak, Lâm Đồng để học tập, vận dụng làm theo. Sau chuyến đi, A Ri Năng được cử đi học lớp quản lý nông nghiệp của tỉnh trong thời gian 3 tháng. Mãn khóa học, A Ri Năng được bà con bầu làm Tập đoàn trưởng. Công việc đầu tiên của A Ri Năng là vận động người dân trong thôn góp toàn bộ diện tích rẫy ở hai bên dòng Đak Tơ Kan thành đất của tập đoàn để san lấp, đắp bờ, làm ruộng cấy lúa 2 vụ. Liên tục trong 2 năm (1984-1985), bà con trong thôn san lấp, đắp bờ tạo được 15 ha ruộng. Hồi đó, toàn bộ hệ thống thủy lợi, từ việc xây đập ngăn nước tới đào kênh mương đều do Nhà nước đảm nhận nên bà con chỉ việc lấy nước vào ruộng, mỗi năm sản xuất hai vụ lúa. Bên cạnh sản xuất lúa, Tập đoàn sản xuất thôn Kon Cheo còn huy động bà con khai khẩn gò đồi, biến hơn 100 ha đất hoang thành đất trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp cùng với phát triển chăn nuôi trâu, bò, heo, dê, gà, vịt… Đi làm tập đoàn, giờ giấc theo kẻng. Đi làm, có cán bộ theo dõi chấm công, ai nhiề ucông được chia nhiều sản phẩm, ai ít công được chia ít sản phẩm. Vào mùa thu hoạch, tất cả sản phẩm lúa, màu đều đưa về kho của Tập đoàn rồi đem chia cho xã viên.
Làm ăn tập thể đông vui thật nhưng hiệu quả không cao vì nhiều người chưa nhiệt tình, chưa trách nhiệm đối với công việc-A Ri Năng nói-Đi làm, ai cũng muốn được ghi nhiều công nhưng khi làm chỉ nhận việc dễ, còn việc khó đùn đẩy cho người khác. Lúa màu đổ vào kho thì nhiều nhưng đến khi chia cho xã viên thì ai cũng kêu được ít. Năm nào bà con cũng thiếu ăn từ 2 đến 3 tháng.
Thành lập được 4 năm, đến năm 1988, Tập đoàn sản xuất thôn Kon Cheo được chuyển đổi theo phương thức quản lý mới là “khoán 10”, sau đó là “khoán 100”. Theo phương thức quản lý mới, toàn bộ diện tích ruộng rẫy được giao lại cho từng hộ quản lý sản xuất theo hình thức tự chủ, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Cũng bắt đầu từ năm 1988, A Ri Năng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn thay cho chức danh Tập đoàn trưởng. Có ruộng đất trong tay, mọi nhà dân trong thôn đều phấn khởi, thi đua sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. A Ri Năng cho biết, hiện nay, thôn Kon Cheo có 330 ha cây trồng các loại, gồm 22 ha ruộng lúa 2 vụ, 120 ha cao su, 36 ha bời lời và cà phê, 180 ha mì cao sản. 187 hộ dân trong thôn không chỉ đủ ăn hàng năm mà còn có hàng nông sản bán ra thị trường, bỏ nhà tạm, xây nhà kiên cố, mua sắm xe máy, ti vi, máy khâu…Tất cả trẻ em đều được đi học, nhiều cháu tốt nghiệp trung học phổ thông, 7 cháu tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Thôn Kon Cheo phát triển, đổi mới toàn diện không thua kém các thôn người Kinh trong thị trấn và cả huyện Đak Tô.
Lê Văn Thiềng