Mặc dù UBND huyện đã mời đại diện các nhà phân phối và nhà sản xuất họp để có hướng giải quyết, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại nhưng lần làm việc đầu tiên, các công ty không có lãnh đạo nên chưa có biện pháp gì cụ thể. Mới đây, UBND huyện tiếp tục gửi giấy mời các bên liên quan đến để giải quyết vụ việc dứt điểm, tuy nhiên cả nhà phân phối và nhà sản xuất đã không có mặt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định rõ tác hại của thuốc và cần thiết đề nghị tạm dừng việc cung cấp và sử dụng thuốc diệt cỏ trên. Đồng thời, các địa phương vận động nhân dân ổn định tình hình, chờ xử lý. Huyện đề nghị các nhà phân phối thuốc, nhà sản xuất nếu chưa làm tốt công tác khuyến cáo cho người dân thì phải dừng ngay việc bán các loại thuốc trên, đồng thời hỗ trợ các hộ dân có diện tích bị thiệt hại khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Huyện tiếp tục mời các đơn vị liên quan đến làm việc và giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Mía tốt nhưng các cây trồng khác thì... chết sau khi phun loại thuốc diệt cỏ đã nói. Ảnh Bích Hà |
Trước đó, trong tổng diện tích bị thiệt hại thì có hơn 52 ha bị thiệt hại 100%, hơn 21 ha bị ảnh hưởng từ 40% đến 80% và hơn 2 ha bị ảnh hưởng từ 20-40%. Nông dân đã sử dụng các loại thuốc gồm: Metrimex 80 WP do Công ty cổ phần Vật tư Bảo vệ Thực vật Hà Nội phân phối, loại 1 kg/bì; Atramet ComBi 80 WP do Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật 1 Trung ương cùng Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam phân phối loại 200 g/bì, 1 kg/bì. Đây là những loại thuốc có cùng hoạt chất là Amentryn 40%+Atrazine 40% dạng bột thấm nước.
Chính quyền địa phương, các công ty, nhà phân phối cần nhanh chóng thống nhất và có hướng hỗ trợ cho người nông dân sản xuất. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra chất lượng các loại thuốc và có biện pháp ngăn chặn những loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc gây hại sản xuất...