(GLO)- Làn sóng đầu tư sôi nổi vào Gia Lai thời gian gần đây đã mở ra cho người dân nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, đồng thời đem đến những triển vọng tươi sáng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhiều dự án lớn
Ngày 21-1-2018, Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai với quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam do Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công. Dự án có diện tích gần 6 ha tại Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang gồm 3 tổ hợp nhà máy: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm và Nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm.
|
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T |
Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, doanh thu hàng năm sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 80-90 triệu USD, nộp ngân sách cho địa phương khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn là dự án sẽ tạo việc làm cho hàng chục ngàn nông dân và 1.000 lao động làm việc tại nhà máy, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung... Ông Nguyễn Thanh Tùng-Phó Tổng Giám đốc DOVECO, Giám đốc Ban Quản lý dự án DOVECO Gia Lai-cho biết: “Ngay khi dự án được triển khai, chúng tôi đã ký hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng chanh dây, dứa, chuối tiêu hồng, đậu tương, rau chân vịt, măng bát độ... với diện tích trên 4.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Công ty trên địa bàn tỉnh sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha”.
Tương tự, việc Công ty TNHH Thương mại chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát xây dựng nhà máy tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) đã thắp lên niềm vui cho huyện nghèo này khi tương lai sẽ đóng góp nguồn ngân sách đáng kể và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương. Với tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng, nhà máy là 1 khu liên hợp có diện tích gần 40 ha gồm: Nhà máy sản xuất sirô cô đặc; Nhà máy sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mì; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp. Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000 ha và vùng nguyên liệu mì 12.000 ha.
Cho tới thời điểm này, Công ty Vạn Phát đã triển khai đầu tư các hạng mục của Nhà máy sirô cô đặc đạt khoảng 25% khối lượng. Theo kế hoạch, đến quý IV-2019, Công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sirô cô đặc và năm 2020 đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp. Ngày 29-10-2018, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2428/UBND-KTTH về việc thống nhất chủ trương nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn mía/ngày lên 6.000 tấn mía/ngày theo đề nghị của Công ty Vạn Phát. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ bán được mía nhiều hơn, cơ hội việc làm cho người dân nơi đây, nhất là người dân tộc thiểu số cũng sẽ tăng lên.
Cùng với các dự án trên, hiện nay, nhiều dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh cũng đang được chủ đầu tư gấp rút triển khai theo kế hoạch.
Kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm tiến độ
|
Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO ký hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua rau củ quả cho nông dân với diện tích trên 4.000 ha. Ảnh: H.D |
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2016, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.455 tỷ đồng và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 12 dự án với tổng vốn đăng ký 15.420 tỷ đồng. Còn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018, UBND tỉnh cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký 4.771 tỷ đồng và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 11 dự án với tổng vốn đăng ký 17.652 tỷ đồng. |
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15.350 tỷ đồng. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 58 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.018 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này, toàn tỉnh có 75 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tiêu biểu có vốn đầu tư lớn và tạo việc làm cho người dân như: Nhà máy điện năng lượng mặt trời Krông Pa với công suất 49 MWp (vốn đăng ký 1.428 tỷ đồng); Nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê (vốn đăng ký 125 tỷ đồng); Nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại An Khê (vốn đăng ký 160 tỷ đồng); Nhà máy chế biến nước ép trái cây tại Mang Yang (vốn đăng ký 247 tỷ đồng); Dự án thủy điện Plei Keo công suất 10,5 MW (vốn đăng ký 381 tỷ đồng); Dự án thủy điện Ayun Trung công suất 13 MW (vốn đăng ký 375 tỷ đồng)...
“Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện các dự án và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai chương trình kết nối đầu tư; trực tiếp tháo gỡ hoặc đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Việc tham mưu báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các dự án được Sở duy trì định kỳ hàng tuần. Tỉnh kiên quyết xử lý đối với các dự án vi phạm tiến độ và nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện. Riêng trong năm 2018, tỉnh đã thu hồi 8 dự án và đang tiếp tục thu hồi 3 dự án là thủy điện Ia Krêl 2, Trường Hoàng Diệu ASEAN và khu du lịch Thác Phú Cường”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Hà Duy