(GLO)- Tại Hội nghị trực tuyến kiểm điểm về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh vừa diễn ra ngày 11-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: “Hai dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh là những công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực vận tải đường bộ trên hai tuyến đường huyết mạch quốc gia, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”. Đó cũng là lý do để tỉnh ta chú trọng triển khai kịp thời dự án (đoạn qua tỉnh Gia Lai). Đến hiện tại, cơ bản đã xong phần giải phóng mặt bằng.
Khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14. Ảnh: Hà Duy |
Dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 14) từ Đak Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 663 km. Giai đoạn I đã hoàn thành đoạn Đak Giôn-Tân Cảnh (Kon Tum) dài 110 km, giai đoạn II đã và đang triển khai đầu tư 553 km. Riêng đoạn qua tỉnh Gia Lai được chia ra làm 2 đoạn tuyến, đoạn đầu từ TP. Pleiku (Km1610) đến Cầu 110 triển khai hình thức hợp đồng BOT qua địa bàn 4 huyện với tổng chiều dài 57,6 km, trong đó: Đak Đoa (3,2 km), Chư Prông (10 km), Chư Sê (20,6 km) và Chư Pưh (27 km). Tổng mức đầu tư là 1.775 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng là 100 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư. Đoạn tuyến thứ 2 được tỉnh đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng chiều dài 352 mét đi qua địa phận xã Ia Le, huyện Chư Pưh.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai thi công dự án đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai là gần 1.600 hộ, tổng kinh phí đền bù giải tỏa gần 9,1 tỷ đồng. Số mặt bằng sạch được bàn giao là 50,8 km. Đến ngày 21-11, đã triển khai động thổ gói thầu GL-05 thuộc địa bàn huyện Chư Sê (dài 7,17 km). Nhà thầu đã tập kết máy móc, trang-thiết bị hoàn thiện cạp lề mở rộng khoảng 3 km, ra mỗi bên 2,5 mét. Ngày 9-12, gói thầu GL-02 thuộc địa bàn huyện Chư Prông cũng bắt đầu triển khai. Dự kiến, ngày 30-12, gói thầu GL-06 sẽ bắt đầu triển khai và đến đầu năm 2014 sẽ đồng loạt triển khai các gói thầu còn lại.
Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác |
“Nhìn chung, dự án đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai, về công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. Địa phương đã vận động nhân dân bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công để kịp tiến độ đề ra. Các huyện đang chờ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng công trình từ các chủ đầu tư dự án để tiến hành chi trả cho các hộ dân. Có một vấn đề đang vướng là tuyến cáp ngầm và cáp treo của Viễn thông Gia Lai đoạn qua thị trấn Nhơn Hòa có chiều dài 2,75 km nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng cần phải di dời, song lại vướng hệ thống cột điện lực và Viettel nên không thể di dời, tịnh tiến được”-ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết.
Thêm nữa, có một số người dân có ý kiến, tại các công trình cống xả, cần xem xét lại và có biện pháp khắc phục khi công trình hoàn thiện, bởi lượng nước tập trung vào các cống xả này dễ làm xói mòn đất của người dân quanh khu vực hạ lưu. Tại Hội nghị trực tuyến kiểm điểm về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, Sở Giao thông-Vận tải cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải có kế hoạch chuyển kinh phí về cho địa phương để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng theo đúng cam kết; đồng thời đề nghị Bộ chỉ đạo nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) bố trí mương xây tại hạ lưu các cống xả đến hết phạm vi đất bị ảnh hưởng của người dân, tránh tình trạng khiếu nại về sau.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, các địa phương còn lại chủ yếu đang kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị địa phương tham gia chỉ đạo, điều hành, giám sát một cách hiệu quả nhất. Từng địa phương phải làm tốt, làm nhanh. Các địa phương xem xét cụ thể năng lực tài chính, phương tiện, kỹ thuật của các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị nào không đủ năng lực phải loại bỏ ngay, tránh ảnh hưởng tới tiến độ dự án, đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2017. Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai, hy vọng với những kiến nghị cụ thể đã được nêu ra, dự án sẽ nhanh chóng hoàn thành, các phương án đền bù hợp lòng dân.
Hà Duy