(GLO)- L.T.S: Năm 2013, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, gây những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều gia đình và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tham gia giao thông còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này và từng bước tạo ra ý thức thực hiện văn hóa giao thông, việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động giữ vai trò quyết định. Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh về vấn đề trên.
- Đại tá có thể cho biết một số nét cơ bản về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2013?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Năm 2013, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Phương tiện giao thông tăng nhanh, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông đường bộ còn bất cập, hư hỏng, xuống cấp nhiều. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng không kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, nhất là đối tượng lái xe ô tô, mô tô còn nhiều hạn chế; các hành vi vi phạm như: chở hàng quá khổ, quá tải, quá số người, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, hiệu lệnh biển báo giao thông; điều khiển xe trong tình trạng đã sử dụng chất kích thích (bia, rượu)… diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến, địa bàn, là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông, nhất là tại những tuyến đường nội thị, đường liên thôn, liên xã và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, tuy nhiên tai nạn giao thông vẫn tăng 2 chỉ số so với cùng kỳ năm 2012. Trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 215 vụ tai nạn giao thông, làm chết 238 người, bị thương 156 người (so với cùng kỳ năm 2012, tăng 6 vụ, tăng 3 người chết, giảm 4 người bị thương), thiệt hại tài sản trị giá nhiều tỷ đồng. Trong đó, 4 địa phương tai nạn giao thông tăng, bao gồm: Ia Grai, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện.
- Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản khiến tai nạn giao thông tăng cao?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thời gian qua, chúng tôi thấy rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, nhất là thanh-thiếu niên. Tình trạng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lấn đường, vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát nên dẫn đến tai nạn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông vẫn chỉ do lực lượng Công an đảm nhận; vai trò của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị chưa được phát huy hết. Công an xã và các lực lượng khác ở cơ sở vẫn chưa phát huy trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh mặc dù đã huy động tối đa lực lượng, thay phiên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường trọng điểm xảy ra tai nạn nhưng vẫn không thể đảm đương hết vì lực lượng quá mỏng so với địa bàn và độ dài các tuyến đường.
Ảnh: Nguyễn Thanh |
Bên cạnh đó, Gia Lai lại là tỉnh có địa hình rất phức tạp, nhiều đường cong, khúc cua nguy hiểm, đèo dốc quanh co, dễ xảy ra tai nạn. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ vẫn chưa phát triển kịp so với sự gia tăng của phương tiện giao thông đường bộ. Nhiều tuyến đường hiện đang được thi công, sửa chữa dang dở, hệ thống đèn và biển báo giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ…
- Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đã có những biện pháp gì nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh, thời gian tới, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp ở địa bàn cơ sở bằng các hình thức như trưng bày panô, áp phích, hình ảnh tai nạn giao thông và các lỗi vi phạm thường gặp; chiếu phim tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông… trong đó tập trung chủ yếu vào các đối tượng là thanh-thiếu niên, học sinh-sinh viên; tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, của chủ phương tiện trong bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ảnh: Nguyễn Thanh |
Trong đó, sẽ tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông như xe khách chở quá số người quy định, xe chở quá khổ, quá tải; người điều khiển phương tiện uống rượu bia say, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định; người điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, xe công nông, độ chế lưu thông trên các tuyến đường cấm… nhất là trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố Pleiku huy động các lực lượng của phường, xã, Đoàn Thanh niên cùng hỗ trợ trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Những kế hoạch và công tác trên nếu được triển khai một cách đồng bộ, chúng tôi tin rằng tình hình tai nạn giao thông sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.
Nhân dịp đầu Xuân mới, thay mặt lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất, chúc mọi người tham gia giao thông trên mọi tuyến đường được bình an, hạnh phúc!
- Xin cảm ơn Đại tá!
Nguyễn Thanh (thực hiện)