(GLO)- Có thể nói, quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (kể từ ngày 1-6-2015 cho đến hết năm 2016) của Bộ Tài chính là một món quà đầy ý nghĩa cho các cháu thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6).
Sau một năm triển khai các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay thị trường sữa bột phần nào đã được bình ổn, nhiều mặt hàng sữa đã giảm đáng kể, tỷ lệ giảm từ 0,1 đến 34% so với giá trước khi thực hiện việc áp trần giá sữa. Trong đó, có hơn 600 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được cơ quan chức năng công bố giá trần bán buôn và theo quy định thì giá bán lẻ không được cao hơn quá 15% so với mức giá bán buôn này. Việc triển khai áp trần giá sữa đã góp phần giảm nhẹ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng, nhất là đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, giá sữa Việt Nam hiện vẫn cao hơn từ 14% đến 68%. Nhằm tiếp tục bình ổn thị trường sữa, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 857/QĐ-BTC ngày 12-5-2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp quản lý giá tối đa kể từ ngày 1-6-2015 đến hết năm 2016; đồng thời, tiếp tục thực hiện mức giá tối đa trong khâu bán buôn của 25 sản phẩm đã được công bố trước đây. Như vậy, động thái gia hạn thêm thời gian sử dụng các biện pháp bình ổn thị trường sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính đã góp phần duy trì tình trạng bình ổn thị trường sữa vốn được xác lập từ một năm nay. Đây không chỉ là tin vui cho người tiêu dùng Việt Nam mà nó còn ý nghĩa hơn trong việc góp phần cải thiện và nâng cao chế độ dinh dưỡng cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi ở nước ta.
Tại Gia Lai, việc thực hiện các biện pháp ổn đã được các cơ quan chức năng triển khai kịp thời và tổ chức kiểm soát chặt chẽ, không chỉ trên địa bàn thành phố mà ngay cả khu vực vùng sâu, vùng xa cũng được kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo thông tin từ Sở Tài chính Gia Lai, trong tháng 4-2015 đã có nhiều đơn vị thực hiện kê khai lại mức giá bán lẻ và bổ sung danh mục sản phẩm mới.
Cụ thể, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai thực hiện kê khai lại mức giá bán lẻ của 11 mặt hàng với tỷ lệ giảm khoảng 2,5% (giảm từ 2.068 đồng đến 9.350 đồng); Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến-Nhà phân phối của Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam thực hiện kê khai lại giá bán lẻ đối với 25 sản phẩm sữa (mức giảm từ 689 đồng đến 12.637 đồng, đạt tỷ lệ giảm 1-4%)…
Trao đổi với P.V, đại diện Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Từ ngày 23-4-2015, Siêu thị đã thực hiện điều chỉnh giảm giá từ 0,8% đến 4% đối với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, chỉ sau 3 ngày sau khi quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực đối với giá bán buôn, bán sỉ và sớm hơn 17 ngày so với thời hạn áp dụng cho giá bán lẻ (10-5-2015). Chọn mua liền một lúc 2 lon sữa Enfamil A+2 tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, chị Nguyễn Thị Thu Hường (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phấn khởi cho biết: “Lúc đầu mình dự định mua một lon thôi, nhưng thấy giá đã giảm nên mình quyết định mua luôn 2 lon để bé uống dần”.
Tại một số cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, mức giá bán lẻ mới đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được áp dụng. Bà Quách Thị Thúy Nga (chủ Shop Nga Đông, đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho biết: Bên cạnh việc điều chỉnh giá sữa, các hãng sữa còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như hãng Nutifood đang triển khai chương trình khuyến mãi mua một thùng sữa (12 lon) sẽ được tặng 1 lon…
Thực tế cho thấy việc áp dụng mức trần giá bán lẻ chung cho toàn thị trường đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã mang đến hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng Việt Nam, mà đối tượng hưởng lợi lớn nhất không ai khác chính là thiếu nhi Việt Nam-những mầm non tương lai của đất nước.
Lê Lan