(GLO)- “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa hề dính líu đến pháp luật, nhưng nay tôi quyết đeo đuổi vụ kiện đến cùng, dù tình cảm mẹ con ra pháp luật thì không còn gì nữa”- Đó là những lời thống thiết của bà Đinh Thị Lan-thôn 10, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông-khi quyết định kiện chính đứa con gái mình để đòi lại mảnh đất vốn thuộc về bà.
Một vụ tranh chấp đất đai đáng ra sẽ không có gì để nói, nhưng trong vụ kiện này nguyên đơn là bà Lan-năm nay đã 78 tuổi, còn bị đơn là bà Dương Thị Luyến (con ruột của bà Lan) và con rể là ông Nguyễn Văn Hạnh.
Ngôi nhà nơi bà Lan từng chung sống với vợ ch ồng người con gái được xây dựng trên mảnh đất hiện đang xảy ra tranh chấp. Ảnh: M.T |
“Nghĩa mẹ” không bằng tấc đất
Bà Lan trình bày: Năm 1991, bà còn là công nhân nên được Nông trường Cao su Chư Prông (nay là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cấp cho một lô đất để làm nhà ở với diện tích 53x37 mét tại Đội 25 cũ, nay là thôn 10, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông.
Đến năm 1993, con gái út của bà là Dương Thị Luyến lập gia đình, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bà Luyến và ông Hạnh xin về ở nhờ nhà bà trên mảnh đất này. Năm 2000, được sự đồng ý của bà Lan, vợ chồng bà Luyến đã phá bỏ nhà cũ để xây nhà khác đồng thời hứa dành riêng cho bà một phòng để ở.
Thế nhưng khi xây nhà xong, mỗi lần hai vợ chồng bà Luyến có mâu thuẫn thì cả hai đều đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mỗi lần như thế bà Lan đều cố gắng chịu đựng cho nhà cửa được vui vẻ, một phần cũng vì tuổi già sức yếu. Khi không còn chịu được sự đối xử tệ bạc của chính người con mà bà đã từng mang nặng đẻ đau, bà Lan đã lên tiếng yêu cầu “chúng mày đuổi tao đi thì trả lại đất cho tao”.
Lập tức hai vợ chồng bà Luyến lớn tiếng cho rằng: “Đất nào của bà, đất này là đất của tôi, bìa đỏ đứng tên tôi thì là đất của tôi, bà không có quyền”. Lúc bấy giờ bà Lan mới biết là mảnh đất này đã bị vợ chồng bà Luyến làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Nguyễn Văn Hạnh-số 01448, QSDĐ/326/QĐ-UB-H, thửa số 40, diện tích 1.705 m2, được UBND huyện Chư Prông cấp ngày 16-8-2001. Bà Lan khẳng định rằng, bà không ký bất kỳ giấy tờ sang nhượng hay cho, tặng gì nhưng không hiểu sao ông Hạnh có thể làm được bìa đỏ, vì vậy mà bà làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết.
Theo bà Trần Thị Soi- Trưởng thôn 10, xã Ia Drăng-để giải quyết mâu thuẫn trên, thôn đã đứng ra tổ chức hòa giải nhiều lần. Trong biên bản hòa giải ngày 1-12-2012, hai mẹ con bà Lan đã vui vẻ đồng ý thỏa thuận chia đôi diện tích 50 mét ngang, mỗi bên 25 mét. Bà Lan bán rẻ lại cho vợ chồng người con gái này 10 mét ngang với giá 45 triệu đồng (giá thị trường là 12 triệu đồng/mét) và vợ chồng bà Luyến cũng đồng ý chuyển quyền sử dụng đất 15 mét còn lại cho bà Lan với điều kiện không được bán cho người ngoài mà chỉ bán cho con gái khi cần thiết.
Tuy nhiên, nghe phong thanh là sau khi chuyển quyền sử dụng phần diện tích đất nêu trên thì bà Lan sẽ bán cho người ngoài nên vợ chồng bà Luyến không thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất như thỏa thuận.
Ông Trương Ngọc Tuấn- Bí thư chi bộ thôn 10 cho biết, chính vì vợ chồng ông Hạnh-bà Luyến không thực hiện theo như hòa giải nên bà Lan tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên xã. Trong biên bản ngày 16-5-2013, bà Lan yêu cầu chuyển nhượng 15 mét đất còn lại nhưng vợ chồng bà Luyến không đồng ý.
Thậm chí theo ông Tuấn, tổ hòa giải cũng đã đưa ra hướng giải quyết: Bà Lan bán tiếp cho vợ chồng bà này 10 mét nữa với giá thỏa thuận, và chỉ yêu cầu chuyển quyền sử dụng đất 5 mét còn lại để trước khi chết bà này cũng có được “miếng đất cắm dùi”. Lúc đó, bà Lan và con trai là ông Dương Văn Luận cũng đồng ý theo cách giải quyết này, nhưng chính vì ông Hạnh-bà Luyến không chấp nhận nên giờ đây bà “quyết theo vụ kiện đến cùng”.
Mảnh đất thuộc về ai?
Theo như giấy xin xác nhận ngày 23-5-2013 của bà Đinh Thị Lan, ông Dương Xuân Nghiêm-Đội trưởng của bà Lan trước đây và cũng là người được Công ty cao su Chư Prông ủy quyền trực tiếp cấp đất cho bà Lan xác nhận “có cấp cho bà Lan lô đất đó từ năm 1990-1991 để làm nhà”. Ông Nguyễn Văn Lan-thôn 10, xã Ia Drăng-trước đây công tác công đoàn Đội sản xuất số 10 (cùng đơn vị sản xuất với bà Lan) cũng đã khẳng định điều này.
Tiếp đến là giám đốc Nông trường Thống Nhất, Trưởng phòng Xây dựng cơ bản và Tổng giám đốc Công ty cao su Chư Prông cũng đều xác nhận thửa đất bà Lan đang ở được ông Dương Xuân Nghiêm cấp là đúng như trong đơn xin xác nhận của bà này.
Trao đổi với P.V, một lần nữa ông Dương Xuân Nghiêm khẳng định có cấp phần đất trên cho bà Lan làm nhà ở, khi đó bà Dương Thị Luyến chưa là công nhân của Công ty. Tương tự, ông Dương Sỹ Đồng-Trưởng phòng Lao động tiền lương, Công ty Cao su Chư Prông xác định: Bà Dương Thị Luyến có thời gian công tác tại Công ty từ tháng 2-1993 đến tháng 7-2013 và chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1-8-2013. Như vậy, thời điểm cấp đất cho bà Đinh Thị Lan, lúc này bà Luyến chưa là công nhân của Công ty nên không thể nào có việc cấp đất cho bà này.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Tạo- Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông, cho biết: “Chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ khiếu nại của bà Lan từ lãnh đạo UBND huyện chuyển sang nên chưa xác minh cụ thể vụ việc như thế nào. Sắp tới, Phòng sẽ mời hai bên gia đình lên hòa giải, nếu hai bên cùng thống nhất một điểm chung nào đấy thì sẽ khép lại vụ việc, chấm dứt khiếu nại, khiếu kiện”.
Ông Tạo cho biết thêm: Nếu hòa giải không thành, sau khi xác minh nguồn gốc đất và xác minh đầy đủ những nhân chứng (kể cả con cái của bà này), nếu phát hiện ra việc cấp không đúng, cấp trái pháp luật thì Phòng sẽ có văn bản gửi Thanh tra huyện xử lý bước tiếp theo.
Minh Triều