Sáng 17-3, gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn TP. Pleiku đã có mặt tại Quảng trường 17-3 để chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai trong không khí trang nghiêm, phấn khởi, náo nức.
Mới 4h sáng, các cô các bác, các chú các dì, các bạn trẻ TP. Pleiku đã lục tục tập trung tại hội trường các tổ dân phố, sau đó tề tựu tại UBND phường rồi cùng nhau đi thành từng đoàn đến Quảng trường 17-3. Cả Quảng trường 17-3 biến thành một lễ đài trang trọng với cờ sao rực rỡ; xung quanh, từng dòng người đổ về không ngớt để chứng kiến sự kiện trọng đại này.
Ảnh: Đức Thụy |
Bắt đầu lễ mít tinh, bài diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã điểm lại những thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng vang dội 35 năm trước giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiếp đó, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhanh chóng ổn định tình hình, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế. Những thành tích đạt được sau 35 năm đã thể hiện qua những con số ấn tượng: Quy mô nền kinh tế gấp 34 lần so với năm 1975; GDP bình quân đầu người đạt 12,43 triệu đồng, gấp 17 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh); thu ngân sách năm 2009 đạt gần 2.000 tỷ đồng… Và như trong bài phát biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân của ông Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy- thì: “Trước đây có ai dám nghĩ những vùng sâu, vùng xa như Kon Pne (Kbang), Sơ Ró (Kông Chro), Đất Bằng (Krông Pa), Ia Lâu, Ia Mơr (Chư Prông) có đường xe hơi, có điện thắp sáng, có trường học, trạm xá, có ti vi, xe máy…? Nay thì giấc mơ đó đã thành sự thật”.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong số hàng chục ngàn người có mặt ở buổi lễ mít tinh 17-3 có không ít người đã từng chứng kiến cảnh tưng bừng của ngày giải phóng 35 năm trước, chứng kiến từng đổi thay nhỏ của mảnh đất Pleiku 35 năm qua: Những đổ nát hoang tàn đã được thay bằng vẻ hiện đại; cái thiếu đói đã nhường chỗ cho sự no ấm… Bà Phạm Thị Hội (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), một người dân sống tại Pleiku từ năm 1959 đến nay, bồi hồi nói: “Tôi rất phấn khởi vì so với ngày giải phóng đời sống của người dân đang khá lên rất nhiều, cơ bản xóa được đói, giảm được nghèo, nhà cửa đường sá đều khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhìn chung là mọi thứ đều đang tiến lên phía trước”.
Tham gia diễu hành trong đội cồng chiêng TP. Pleiku, anh Mlik, vừa tròn 35 tuổi, người làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng có dịp nói về chút cảm nghĩ của mình trong ngày này: “Vui lắm! So với trước kia thì cuộc sống của người dân trong làng bây giờ khá hơn. Làng mình cũng bắt đầu có thêm thu nhập nhờ làm du lịch”. Cần nói thêm rằng, từ tháng 1-2009, làng Ốp đã trở thành Làng Văn hóa- Du lịch nằm ngay trong nội thành Pleiku, trở thành điểm đến trong các tour của Công ty cổ phần Dịch vụ- Du lịch Gia Lai, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa của khách du lịch; từ đó dân làng cũng có thêm thu nhập nhờ các sản phẩm du lịch như đồ đan lát, thổ cẩm, tượng gỗ… và biểu diễn cồng chiêng.
Ảnh: Đức Thụy |
Còn anh Nguyễn Tiến Dũng- Giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tham gia diễu hành trong đội hình của ngành Giáo dục- nêu nhận xét: “Chỉ riêng ngành Giáo dục cũng đã có những thay đổi, biến chuyển rất lớn trong suốt 35 năm qua cả về cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ cũng như chất lượng đào tạo”. Anh cũng bộc bạch: “Từ bé, tôi đã nhiều lần được theo mẹ đi dự nhiều buổi lễ kỷ niệm ngày giải phóng như thế này. Đây là dịp để mỗi người nhìn lại và suy nghiệm rất nhiều điều. Với tôi, được sinh ra, lớn lên tại Gia Lai, được đào tạo và bây giờ quay trở lại cống hiến cho mảnh đất này là một niềm hạnh phúc!”.
Lễ diễu binh của 5 đơn vị lực lượng vũ trang và diễu hành của 19 khối, sở ngành trong tỉnh đã kết thúc lễ kỷ niệm trong sự hân hoan, thể hiện sức mạnh quân sự cũng như sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ trí thức, lao động, công nhân viên chức trong tỉnh; mỗi người, mỗi ngành một nhiệm vụ góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn.
P.D