Hai ngày qua, việc một tiếp viên của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến lây lan nguồn bệnh khiến dư luận cực kỳ bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng bệnh nhân 1342 (tiếp viên của Vietnam Airlines) "vi phạm rất nghiêm trọng" quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: T.Vương. |
Sự vi phạm qui định về cách ly phòng chống dịch của tiếp viên Vietnam Airlines đồng thời cũng là bệnh nhân 1342 đã rõ ràng, đã được các cơ quan chức năng trung ương và địa phương chỉ ra cụ thể.
Hành vi vi phạm đó đã gây ra hậu quả là lây nhiễm bệnh cho người khác (F1, F2).
Song, vi phạm của cá nhân cũng mới chỉ là một phần. Cơ quan chức năng còn chỉ ra rằng, sự vi phạm còn thể hiện trong công tác quản lý tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines tại số 115 Hồng Hà, quận Tân Bình, TPHCM. Hai đoàn bay khác nhau, theo qui định phải cách ly ở hai khu vực riêng riêng, thế nhưng vẫn gặp được nhau và tiếp xúc dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh.
Có thể nói, từ sự vi phạm của một cá nhân, sự quản lý lỏng lẻo của một khu cách ly tập trung của doanh nghiệp, đang dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: Một số người bị lây nhiễm bệnh, một số trung tâm ngoại ngữ, khu dân cư bị tạm thời đóng cửa và phong tỏa, gần 100.000 sinh viên của 5 trường đại học trên địa bàn TPHCM phải tạm nghỉ học tập trung.
Chỉ vì một sự kém ý thức, hay nói đúng hơn là sự cố tình vi phạm của một cá nhân, cùng với tinh thần trách nhiệm quản lý lỏng lẻo tại một khu cách ly tập trung, đã khiến cho các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương phải gồng mình, xã hội lo lắng; nhiều sự kiện, hội nghị của doanh nghiệp đã sát đến ngày khai mạc đang phập phồng chưa biết có thể tổ chức tập trung hay không…
Trong hậu quả đã xảy ra, thiệt hại bước đầu cũng có thể nhìn thấy được, và có thể chưa dừng lại.
Và đương nhiên, cá nhân vi phạm, nơi để xảy ra tình trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý cách ly và cuối cùng là phía Vietnam Airlines, không thể không chịu trách nhiệm trước xã hội khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như đề cập ở trên.
Việc truy xét trách nhiệm đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ GTVT chủ trì làm rõ trong cuộc họp vào chiều ngày 1.12.
Tuy nhiên về phía dư luận, ở vị trí một người dân bình thường thôi, cũng sẽ nhìn vào thái độ tiếp nhận sự phê bình từ dư luận cũng như thái độ xử lý nội bộ của Vietnam Airlines như thế nào.
Cá nhân tiếp viên vi phạm thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm và chịu sự xử lý của các cơ quan chức năng và pháp luật. Nhưng vụ việc này không đơn giản chỉ là sự vi phạm của một cá nhân.
Trong cuộc họp tối ngày hôm qua 1.12, đại diện Sở Y tế TPHCM đã chỉ rõ lỗ hổng chết người tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines số 115 Hồng Hà. Chính vì thế, cơ quan chức năng đã quyết định đóng cửa khu cách ly tập trung này.
Vì thế, dư luận cũng sẽ không chấp nhận việc chỉ đổ lỗi cho cá nhân tiếp viên trong trường hợp này. Bởi nếu không phân tích, truy xét những hành vi vi phạm, trách nhiệm trong công tác quản lý tại khu cách ly tập trung 115 Hồng Hà đến căn cơ ngọn nguồn, thì sẽ không rút ra được bài học kinh nghiệm xương máu cho công tác phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung thuộc doanh nghiệp quản lý.
Theo Thế Lâm (LĐO)